Được trang bị toàn diện trong quá trình học

Trong quá trình học ngành Xây dựng tại trường đại học, bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất của ngành, vừa làm cơ sở để có thể học thêm, nâng cao trình độ (như các môn Bê tông cốt thép, Nền móng …) vừa có thể vận dụng để tiến hành thi công xây dựng công trình trong thực tế (như các môn Kỹ thuật thi công, Tổ chức thi công, Thiết kế và Thi công cầu, đường ....). Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học các kỹ năng mềm thiết yếu cho cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng tổng hợp phân tích, tiếng Anh …Được học tập dưới sự dẫn dắt, chia sẻ của các chuyên gia kỳ cựu trong ngành cũng cho bạn những bài học về thái độ trung thực trong nghề nghiệp, tận tụy với công việc và chân thành với bạn bè đồng nghiệp.

Ngoài ra, trong quá trình đào tạo sinh viên còn được tham quan các công trình thực tế, trực tiếp lao động trên công trường với vai trò một công nhân thực thụ, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực, ý nghĩa. Nhờ chương trình đào tạo khoa học, mang tính thiết thực cao và mối quan hệ bền chặt với các doanh nghiệp mà nhiều sinh viên của trường ngay sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm ngay. Một số sinh viên sau vài năm công tác đã được cơ quan tín nhiệm giao cho các chức vụ như Tổ trưởng, Trưởng phòng và cả Phó Giám đốc Cty xây dựng…

Vị trí công việc đa dạng, không cần “nhờ chạy việc”

Công việc của nghề Kỹ sư Xây dựng (KSXD) có thể chia thành ba nhóm: Ngoài công trường - nơi triển khai thi công sản phẩm xây dựng bao gồm các vị trí như Kỹ sư thi công, kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trường…; Trong công xưởng bao gồm các vị trí như Kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm…; Và trong văn phòng bao gồm các vị trí như chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các kiểm toán xây dựng…

Đặc biệt, đây là ngành không cần sự quen biết để xin việc, do đó đối với những thí sinh  không có điều kiện về kinh tế, quan hệ xã hội thì ngành xây dựng là rất thích hợp để các thí sinh lựa chọn. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện các chủ đầu tư khi xây dựng nhà riêng không còn tự thiết kế tự thi công nữa, cơ hội để các KSXD có thể làm thêm, tự nhận thiết kế, thành lập tổ đội thi công nhỏ để thực hiện các công trình tư nhân là rất lớn, đây cũng là những cơ sở ban đầu để các KSXD trở thành các “ông chủ”, tự thành lập các công ty Tư vấn thiết kế, Thi công xây lắp cho riêng mình.

Ngành HOT của xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo nhu cầu lao động ngành Xây dựng phải qua đào tạo cần có đến năm 2020 đạt trên 5 triệu người, tức cần bổ sung gần 1.5 triệu người so với nguồn nhận lực hiện có. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tư vấn việc làm, Xây dựng hiện là nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất và sẽ là ngành lên ngôi trong năm 2017 - 2018. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngành công nghiệp Xây dựng nước ta đang chứng kiến những bước tăng trưởng doanh thu lạc quan trong những năm gần đây. Theo báo Xây dựng, ngành Xây dựng năm 2016 có bước tăng trưởng cao về giá trị sản xuất, đạt hơn 1.090 nghìn tỉ đồng (tăng 10,1% so với năm 2015), chiếm tỉ trọng 6,2% GDP cả nước. Mặt khác, việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách phù hợp đã thực sự kích thích thị trường bất động sản tìm lại chính mình, qua đó thúc đẩy ngành Xây dựng tăng trưởng. Ví dụ các chính sách giúp cho những công trình đình trệ được tái thi công, hay việc người nước ngoài có thể sở hữu căn hộ tại Việt Nam cũng là một tín hiệu đầy tích cực cho ngành Xây dựng.

Thu nhập xứng đáng, thỏa sức sáng tạo

Chính bởi thiếu nhân lực chất lượng cao, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi đậm để giữ chân những kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm. Tìm hiểu các con số về lương bổng trên các trang tuyển dụng Việt Nam hiện nay dành cho các kỹ sư xây dựng, bạn có thể thấy đó là những con số khá cao dao động từ 300 - 2.000USD tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm, chưa kể các nguồn thưởng và các ưu đãi nhà cửa – thường là lớn hơn rất nhiều so với mức lương. Với mức thu nhập này, các kỹ sư xây dựng hoàn toàn hài lòng và yên tâm về chất lượng cuộc sống của mình. Vấn đề ở đây chính là, bạn có đủ giỏi để nắm bắt cơ hội trong muôn vàn cơ hội? Đừng nghĩ đến chuyện “thất nghiệp”, “lương thấp”, mà đã là lúc để nghĩ đến chuyện trang bị kỹ năng, kiến thức như thế nào để gặt hái thành công trong tương lai.

Nghề xây dựng dân dụng nhìn chung là vất vả và nhiều áp lực, song điều đó sẽ tương xứng với những gì bạn nhận được. Ngoài một mức thu nhập ổn định và các ưu đãi, tiền thưởng, bạn sẽ có cơ hội được đi nhiều nơi, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Do đó, nghề xây dựng rất thích hợp với những bạn trẻ  thích phiêu lưu, đi đây đó, thích sáng tạo, thiết kế và hiện thực hóa những ý tưởng của mình.