Địa lý là khoa học nằm ở giao diện của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, là ngành học mang nhiều nét đặc thù trong nghiên cứu, khám phá các thể tổng hợp lãnh thổ, các hệ thống không gian địa lý hoàn chỉnh. Nét độc đáo của các thể tổng hợp lãnh thổ các cấp khác nhau được tạo nên bởi mối quan hệ có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng địa lý, tạo nên sức hấp dẫn trong quá trình học tập, nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực địa lý học. Chính vì vậy, khoa học địa lý có phổ kiến thức rộng, vừa gần gũi, gắn bó với đời sống, vừa chứa đựng những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn để khám phá. Để trở thành một giáo viên Địa lý, ngoài việc trang bị hệ thống tri thức khoa học bộ môn, người học còn được rèn luyện và phát triển các năng lực giáo dục, đặc biệt là các phương pháp dạy và học bộ môn Địa lý đặc thù như phương pháp bản đồ, sử dụng số liệu thống kê, biểu đồ, sử dụng tranh ảnh và mô hình địa lý,….
Khoa Địa lý – Quản lý tài nguyên, Trường Đại học Vinh là một trong những cơ sở đào tạo đại học của nước ta có chuyên ngành đào tạo cử nhân sư phạm Địa lý. Với mục tiêu: đào tạo giáo viên Địa lý có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm giảng dạy địa lí ở các trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam; người công dân tốt, người giáo viên trung thực và sáng tạo vì sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai; có bản lĩnh, ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, Tổ quốc và cộng đồng quốc tế. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo – được thiết kế trong thời gian tương ứng 4 năm học, người học có khả năng tự học, tự nghiên cứu nhằm đạt được những trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), tiếp tục đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học trong các Viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực địa lí; có năng lực để giảng dạy, làm việc tại các trường phổ thông cũng như các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục.
Trong hành trình kết nối đam mê khám phá và ước mơ trở thành giáo viên địa lý, sinh viên sẽ được trải nghiệm, học hỏi từ thực tế qua các chuyến đi thực địa ngắn ngày hay dài ngày. Hành trình khám phá nét độc đáo của các thể tổng hợp lãnh thổ tự nhiên qua tuyến thực địa Nghệ An – Thanh Hóa – Ninh Bình (thuộc môn học Thực địa địa lý tự nhiên trong chương trình đào tạo); Nhận diện thực trạng, sức sống, tiềm năng của các hoạt động kinh tế - xã hội qua tuyến thực địa Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Thừa thiên Huế - Thành phố Đà Nẵng – Quảng Nam (thuộc môn học Thực địa địa lý kinh tế - xã hội). Việc học tập gắn kết giữa lý thuyết với thực tiễn không những giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn nội dung kiến thức, cung cấp những ví dụ thực tế sinh động, là hoạt động học tập thú vị, bổ ích mà còn là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời để phát triển bản thân, rèn luyện bản lĩnh cho các nhà địa lý, góp phần hình thành tác phong học tập và làm việc.
Các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để hình thành, phát triển năng lực giáo dục, để trở thành các giáo viên địa lý được thực hiện thường xuyên, sôi nổi và có hiệu quả trong suốt quá trình đào tạo. Hàng năm, nhà trường và khoa phối hợp tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ được tổ chức đa dạng như giao lưu trao đổi kinh nghiệm kiến tập, thực tập sư phạm; Thực hành giảng dạy (tập giảng); Thi thiết kế đồ dùng dạy học tự làm trong dạy học Địa lý; Thi thiết kế giáo án; Xử lý tình huống sư phạm; Thuyết trình,…Đây là hoạt động truyền thống và là thế mạnh của trường Đại học Vinh nói chung, khoa Địa lý – QLTN nói riêng trong quá trình đào tạo sư phạm. Hoạt động thường niên này trở thành môi trường, sân chơi cho sinh viên ngành sư phạm Địa lý rèn luyện, thử sức vươn tới ước mơ nhà giáo.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng cho sinh viên thực hiện trong quá trình đào tạo. Sinh viên được thử sức với các đề tài, hướng nghiên cứu trong lĩnh vực địa lý với các mức độ khác nhau: bài tập lớn, đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, đề tài nghiên cứu khoa học dự thi cấp trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học thúc đẩy sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu của sinh viên, đồng thời là cơ hội để sinh viên vận dụng kiến thức chuyên ngành, các phương pháp, công cụ nghiên cứu khoa học cho các đề tài cụ thể. Từ đó, phát triển khả năng nghiên cứu độc lập, phát triển năng lực tự học suốt đời, đáp ứng yêu cầu tự nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc sau khi ra trường.
Với mục tiêu đào tạo và các hoạt động đào tạo như trên, sinh viên ngành sư phạm Địa lý sau khi ra trường có cơ hội làm việc và khẳng định bản thân trong các vị trí: giảng dạy địa lý tại các trường THPT, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước; Giảng dạy địa lý tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước nếu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về trình độ và năng lực cao hơn; Nghiên cứu tại các trung tâm, khí tượng thủy văn, địa chính, khoa học xã hội và nhân văn, viện nghiên cứu giáo dục; Chuyên viên và quản lý tại các bộ phận ở các trường học, các cơ sở quản lý giáo dục, các cơ sở khác phù hợp với chuyên môn như du lịch, địa chính...
Chào đón các bạn đến Mái nhà khoa Địa lý – Quản lý tài nguyên, Trường Đại học Vinh để biến đam mê khám phá địa lý và ước mơ nhà giáo trở thành hiện thực!
Mọi thắc mắc, băn khoăn của các bạn sẽ được chúng tôi giải đáp trực tiếp tại địa chỉ: Văn phòng Khoa Địa lí - QLTN, tầng 2, nhà A0, Trường Đại học Vinh, 182 Lê Duẩn, Thành phố Vinh, Nghệ An, hoặc qua số điện thoại: (038) 3.855.452 - máy lẻ 232.