Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực, đối với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, phát triển văn hóa được coi như một cứu cánh, khi mà sự gia tăng của các giá trị kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng vật chất nhưng không phải hoàn toàn mang lại cho con người và xã hội hạnh phúc bởi sự mai một của những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, từ cuối thế kỷ XX, Liên hợp quốc (UN) đã phát động “Thập kỷ văn hóa vì sự phát triển”(1987 – 1996). UNESCO cũng đi tiên phong trong việc soạn thảo những tuyên bố, công ước để bảo đảm sự phát triển văn hóa trên thế giới đi đúng hướng, không bị các giá trị kinh tế thị trường làm sai lệch.
Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Ở bình diện vĩ mô, quản lý văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa của một quốc gia. Xét ở bình diện vi mô, những định hướng đúng đắn của quản lý văn hóa sẽ giúp cho các hoạt động văn hóa ở các địa phương, các vùng, miền thuận tiện hơn, tránh được sự lúng túng và tùy tiện trong việc thực thi các chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra đòi hỏi ngày càng cao đối với đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 21/6/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép khoa Lịch sử, trường Đại học Vinh mở mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa.
PGS.TS Phạm Minh Hùng (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, nhiệm kỳ 2010 - 2015) phát biểu trong buổi giao lưu trao đổi nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản lý Văn hóa
Ngành Quản lý văn hóa thuộc khối các khoa thuộc ngành Khoa học xã hội và nhân văn của trường Đại học Vinh, có chức năng đào tạo Cử nhân ngành Quản lý Văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có đủ khối kiến thức và các kỹ năng chuyên ngành như: quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các chính sách văn hóa; kỹ năng quản lý, điều hành các tổ chức văn hóa; kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các cấp..., đáp ứng yêu cầu của xã hội và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Sinh viên ngành Quản lý văn hóa tham gia Hội thi Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp năm học 2015 - 2016
Lễ ra mắt Câu lạc bộ Ví, Giặm của sinh viên ngành Quản lý văn hóa
Chương trình đào tạo của ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Vinh được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc chương trình của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. Cùng với phần lý thuyết được học tại trường, người học sẽ được đi thực tế, thực hành, thực tập tại các cơ sở văn hóa và các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, trong quá trình học tập, với sự phối kết hợp của Trung tâm đào tạo liên tục của Nhà trường, người học sẽ được tham dự các lớp tập huấn về các kỹ năng mềm như thuyết trình, diễn giả, báo cáo viên, MC...để thuận lợi hơn trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này.
Sinh viên ngành Quản lý văn hóa đi thực tế tại Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)
Sinh viên ngành Quản lý Văn hóa tham quan thực tế tại Hà Nội
Mahatma Gandhi đã nói: A nation's culture resides in the hearts and in the soul of its people (Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân). Văn hóa với những giá trị truyền thống là cốt lõi để dân tộc hội nhập mà không bị biến mất trong sự phát triển chung của nhân loại. Văn hóa chính là bệ đỡ của bất cứ dân tộc nào muốn phát triển đến tầm cao mới của thời đại. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa mang trong trái tim mình tình yêu và trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc để đến với trái tim của mọi người cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Ngành Quản lý Văn hóa Đại học Vinh cùng chung tay và chia sẻ, chào đón các bạn thí sinh trên mọi miền của Tổ quốc.
Mọi thông tin chi tiết, các thí sinh có thể liên hệ:
ThS.. GVC Nguyễn Thị Bình Minh - Trưởng bộ môn ngành Quản lý Văn hóa, khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh
Số điện thoại: 0983.938.762 hoặc số điện thoại đường dây nóng: 0388.98.89.89.