Hiện nay, tỉ lệ đối tượng dễ bị tổn thương cần sự trợ giúp như: người khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam, người nghèo… ở nước ta còn nhiều. Những cảnh tượng trên đặt ra câu hỏi: xã hội sẽ như thế nào nếu như không có ai đứng ra giải quyết các vấn đề trên?

Trước thực tại đó, nghề CTXH đã ra đời, với sứ mệnh cao cả là đưa bàn tay ra trợ giúp những mảnh đời éo le, hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào hoạch định chính sách và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, từ đó phòng ngừa- chữa trị -giải quyết” các vấn nạn XH một cách triệt để, giúp người dân vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơnCTXH trước hết là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội. Sứ mạng của nghề CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, giảm thiểu sự bất công, bất bình đẳng.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước phát triển, CTXH đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành. Chính vì thế, với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã dành kinh phí 2.347 tỉ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Từ đây, CTXH được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực xã hội, năm 2007, Bộ GD&ĐT đã giao cho Trường ĐH Vinh đào tạo ngành CTXH ở bậc ĐH. Đến nay, ngành học này đã có 5 khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định và hàng năm thu hút hàng trăm sinh viên, học viên theo học. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường đã làm việc tại các cơ quan trung ương và địa phương thuộc ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội, các Trung tâm Bảo trợ xã hội, các cơ quan cấp tỉnh, huyện, phường, xã… Ngành CTXH tại ĐH Vinh với đội ngũ giảng viên vững về chuyên môn, giàu nhiệt huyết, trong đó có 1 tiến sĩ, 9 thạc sĩ (có 3 NCS chuẩn bị bảo vệ tiến sĩ) đã, đang và sẽ đào tạo những cử nhân Công tác xã hội vững về chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng đáp ứng sứ mệnh cao cả mà xã hội cần và giao phó.

Nếu bạn tham gia học ngành Công tác Xã hội, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để nhìn nhận các vấn đề xã hội, cách thức trợ giúp đối với các đối tượng trong xã hội. Khi học ở trường, bạn sẽ có dịp được tham gia vào các khóa thực hành, thực tập, được tiếp cận với những mảnh đời bất hạnh hay được tham quan mô hình trợ giúp đối tượng ở các trung tâm trong địa bàn tỉnh Nghệ An… Bạn sẽ hiểu hơn những khó khăn, vất vả, những hoàn cảnh éo le và hơn hết sẽ biết rõ hơn vai trò, sứ mệnh cao cả của nhân viên Công tác xã hội.

Đặc biệt sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, với khối lượng kiến thức và kỹ năng được đào tạo, bạn có thể hành nghề hoặc tiếp tục học ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Bạn sẽ có cơ hội việc làm trong các cơ quan hành chính sự nghiệp từ cấp xã phường trở lên, làm việc trong các trung tâm, tổ chức, hiệp hội dành cho đối tượng yếu thế… Và chắc hẳn đây sẽ là một ngành học hấp dẫn cho những ai muốn giảm thiểu những rào cản, giảm thiểu sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội./.

BT