Nghề công tác xã hội (CTXH) là một nghề mới ở Việt Nam nhưng không còn mới mẻ trên thế giới. Cùng với sự phát triển của đất nước, nghề CTXH đã được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội. Tại Đại học Vinh, ngành Công tác xã hội được đào tạo từ năm 2008, các thế hệ sinh viên ngành công tác xã hội ra trường đã có việc làm ổn định, ngày ngày đem tình yêu thương đến cho nhiều con người có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp cả nước.

1. Nghề công tác xã hội ở Việt Nam

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.


Đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành kinh phí 2.347,4 tỉ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Chỉ từ khi Đề án được ban hành, CTXH mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, ở nước ta hiện nay, số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già ở các gia đình, bệnh viện cũng lên tới gần chục nghìn người; số cộng tác viên làm công tác dân số và bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các thôn, bản lên tới 162.000 người. Trừ số cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản. Họ chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kỹ năng và hiểu biết về CTXH. (Trích dẫn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) 

2. Công tác xã hội - Nghề của lòng nhân ái:

CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mạng của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu: Những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng. Tiến trình CTXH tập trung vào việc:

Phát hiện những mối quan tâm của con người: ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý-tình cảm, ...;

Xác định các nhu cầu của con người: ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...;

Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác. Nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...);

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mục tiêu để đáp ứng các nhu cầu đó.

Thực chất của nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ chứ không phải là người chủ. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm. Ví dụ, trường hợp một người có tổn thương tâm lý và có ý định tự tử, nhân viên xã hội cần tìm hiểu nguyên nhân và mức độ tổn thương của người đó và giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng bằng cách tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để người đó ổn định lại và không có hành vi làm tổn hại đến bản thân nữa.


Mặt khác, do đối tượng được chăm sóc, phục vụ là những đối tượng đặc biệt nên cũng rất cần các nhân viên làm CTXH có đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ, đối tượng bị khủng hoảng tâm lý hoặc không có khả năng tự vệ, nếu như nhân viên chăm sóc không có đạo đức nghề nghiệp thì người được chăm sóc lại có thể bị xâm hại.

Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội tạo được sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp. Và việc lựa chọn nghề CTXH chính là lựa chọn nghề của lòng nhân ái.

3. Đào tạo ngành công tác xã hội tại Đại học Vinh

Nghề CTXH hiện là ngành mới đào tạo ở Việt Nam. Học ngành xã hội học ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các loại đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Bạn cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội.

Từ năm 2004, Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình khung đào tạo ngành CTXH bậc đại học và bậc cao đẳng, nhưng phải tới năm 2010 khi Đề án 32 được ban hành, mới tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH. Nghề CTXH ở ta ngày càng được chuẩn hóa và đào tạo một cách bài bản. Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội. Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới đầy triển vọng trên thị trường lao động.

Tuy nhiên số lượng, chất lượng đào tạo ngành CTXH đáp ứng nhu cầu xã hội đang là thách thức lớn. Cả nước hiện có chưa tới 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ rất ít, chỉ khoảng 30- 40 người. Thậm chí có trường chưa có giảng viên nào. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề CTXH còn một số bất cập như: chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành chuyên nghiệp, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp… Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta với các nước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn.

 Bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Vinh được thành lập năm 2007. Từ những ngày đầu mới thành lập, Bộ môn mới chỉ có 2 giảng viên. Đến nay, Bộ môn đã có 8 giảng viên, trong đó có: 2 tiến sỹ, 6 thạc sỹ; 3 giảng viên đang đi học nghiên cứu sinh. Ngoài đảm nhận giảng dạy các học phần của ngành Công tác xã hội, Bộ môn còn đảm nhận giảng dạy học phần Xã hội học đại cương cho các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc các hệ đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, từ xa… Nhìn chung, chất lượng giảng dạy của các giảng viên trong Bộ môn đ­ược sinh viên và xã hội thừa nhận.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên của Bộ môn còn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ năm 2007 đến nay, các giảng viên của Bộ môn đã công bố hơn 200 bài viết trên Tạp chí Khoa học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; biên soạn và xuất bản 2 cuốn sách chuyên khảo, chủ trì và tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh và gần 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Kết quả nghiên cứu khoa học đ­ược đánh giá tốt và triển khai ứng dụng trong thực tiễn đào tạo của Nhà trường và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Ngành Công tác xã hội Trường Đại học Vinh đang đặt mục tiêu chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 phấn đấu đến năm 2020, trên 60% giảng viên của Bộ môn đạt trình độ tiến sỹ và đến năm 2025, 100% giảng viên của Bộ môn đạt trình độ tiến sỹ; hoàn thành việc phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO; ổn đình và phát triển quy mô đào tạo sinh viên ở các hệ đào tạo chính quy, vừa làm vừa học; giảng viên trong Bộ môn sử dụng tốt tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Công tác xã hội và Xã hội học; chủ động khai thác các nguồn lực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo của ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường liên kết với các đơn vị trong và ngoài trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học; chú trọng công bố kết quả nghiên cứu bằng nhiều hình thức khác nhau ở trong nước, tiến tới công bố ở các tạp chí quốc tế; đẩy mạnh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và huy động nguồn lực sinh viên tham gia các đề tài, dự án do cán bộ giảng viên của Bộ môn chủ trì.

Để biết thêm về ngành, xin tham khảo một số website hữu ích:

· Mạng CTXH Việt Nam: http://socialwork.vn/

· Website phát triển nghề CTXH: http://congtacxahoi.molisa.gov.vn/

· Trung tâm CTXH Thanh niên TPHCM: www.congtacxahoi.vn/

· Trung tâm Nghiên cứu-Tư vấn CTXH & Phát triển Cộng đồng: http://www.sdrc.com.vn/