Kinh tế đầu tư tuy nói là một chuyên ngành mới tại trường Đại học Vinh nhưng nó cũng đã có một quá trình hình thành và phát triển với bề dạy truyền thống. Trường đại học Vinh đào tạo chuyên ngành Kinh tế đầu tư bắt đầu từ khóa 53 (năm 2013) sau 10 năm đào tạo các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng. Đến nay đã tuyển sinh đào tạo được 4 khóa. Với đội ngũ cán bộ nhiệt huyết và yêu nghề, các học phần chuyên ngành được giảng dạy bởi các cán bộ giảng dạy thuộc Bộ môn Kinh tế Đầu tư & Phát triển (gồm có 7 giảng viên: 2 TS, 4 NCS và 1 ThS), ngoài ra còn được thỉnh giảng bởi các giảng viên có kinh nghiệm và các GS đầu ngành về chuyên ngành Kinh tế đầu tư đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Chuyên ngành Kinh tế Đầu tư bao gồm hai mảng chính kế hoạch và Kinh tế đầu tư với một chương trình học được xây dựng tỷ mỷ, phong phú, phù hợp, hiện đại. Hai năm học đầu tiên sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế học và các môn học cơ sở. Hai năm cuối sinh viên sẽ được trang bị tổng hợp các kiến thức và kĩ năng thông qua các môn chuyên ngành và các chuyên đề. 

Mục tiêu của chuyên ngành là trang bị cho sinh viên kiến thức tổng hợp về kinh tế và quản lý để: có kiến thức tổng hợp, nhận dạng được cấu trúc và xu hướng phát triển kinh tế xã hội ở tầm vĩ mô; có khả năng đánh giá, phân tích chính sách chiến lược, chính sách vĩ mô, kế hoạch, chương trình phát triển; có khả năng xây dựng và quản trị các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển trong phạm vi công tác; Có năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư ở tầm vĩ mô và vi mô thể hiện ở các hoạt động liên quan đến huy động và sử dụng vốn một cách hiệu quả…

Đồng thời chuyên ngành này cũng cung cấp kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực lập dự án và quản lý các dự án đầu tư. Sinh viên có kiến thức chuyên môn mới và hiện đại về quản lý đầu tư ở tầm vĩ mô và quản lý dự án đầu tư ở tầm vi mô, biết áp dụng các mô hình quản lý hiện đại trong quản lý dự án.

Tiếp đến chuyên ngành này cũng trang bị kiến thức về tổ chức và quản lý hoạt động đấu thầu tư vấn đầu tư, quản lý rủi ro trong đầu tư, đầu tư tài chính và đầu tư chứng khoán…

Như vậy, với những kiến thức được trang bị trong suốt 4 năm ở giảng đường Đại học. một sinh viên có thể làm được những công việc gì?.... Căn cứ vào các kết quả của hoạt động đầu tư, bản chất và lợi ích do đầu tư đem lai chúng ta có thể chia đầu tư ra làm 3 loại: đầu tư tài chính, đầu tư thương mại và đầu tư phát triển. Như vậy, chuyên ngành kinh tế đầu tư đào tạo ra nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng với sứ mệnh đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến:

Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, xây dựng và triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển trong doanh nghiệp.

Công tác quản lý đầu tư ở các ngành, địa phương.

Hoạt động huy động và sử dụng vốn của các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng.

Cụ thể, sinh viên kinh tế đầu tư ra trường đảm nhiệm các công việc như:

1. Chuyên viên phân tích đầu tư: bao gồm các công việc:

- Nghiên cứu thị trường về lĩnh vực quản lý vốn, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và các quy định, điều luật có liên quan. 

- Thu thập các thông tin về tài chính và đầu tư của các công ty, cổ phiếu, chứng khoán và các thông tin đầu tư khác. 

- Xem xét và phân tích các thông tin đầu tư tài chính thu thập được.

- Sàng lọc thông tin, định giá, đánh giá cổ phiếu; đánh giá, phân tích rủi ro. 

- Đánh giá các rủi ro và cơ hội đầu tư, xác định cơ hội đầu tư tốt nhất.

- Chuẩn bị các kế hoạch đầu tư cần thiết và các tài liệu đàm phán liên quan. 
          - Lập các hoạt động, hướng dẫn và thủ tục đầu tư cơ bản; đảm bảo các giao dịch được tiến hành theo đúng các hướng dẫn và thủ tục của công ty. 
          - Đảm bảo tuân thủ các hạn mức đầu tư, các thay đổi về quy định và chuẩn bị các báo cáo. 

- Chịu trách nhiệm xác định và theo dõi các vấn đề về đầu tư để hổ trợ các (công ty) khách hàng.

2. Nhân viên ngân hàng: Bao gồm các công việc:

- Nhân viên tín dụng: thẩm định tín dụng, thẩm định dự án đầu tư xin vay vốn, tái thẩm định.

- Nhân viên quản trị rủi ro: Dự báo các biến động kinh tế- chính trị - xã hội ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và đưa ra các giải pháp phòng ngừa rủi ro…

3. Các Bộ, ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước:

- Hoạch định quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế từ trung ương đến địa phương

- Thẩm định, xét duyệt dự án đầu tư

- Lập và quản lý dự án đầu tư

- Quản lý vốn, nguồn vốn, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

- Quản lý đấu thầu…

4. Làm việc ở các doanh nghiệp

- Hoạch định kế hoạch phát triển doanh nghiệp

- Lập, quản lý và thẩm định dự án.

- Quản lý đấu thầu, quản trị rủi ro…

   Nói tóm lại, chuyên ngành Kinh tế đầu tư có đầu ra tương đối rộng vì ngành này đào tạo về kế hoạch phát triển kinh tế và các hoạt động của một dự án, mà bất cứ hoạt động kinh tế nào cũng cần phải lập kế hoạch và làm thành dự án từ việc mua máy móc đến xây dựng nhà cao tầng ... bao gồm lập dự án, đấu thầu, thị trường vốn, quản lý dự án, ...

 Với những phân tích trên, liệu chuyên ngành kinh tế đầu tư có phải là ngành triển vọng trong tương lai không? Trong nhiều năm gần đây, nền kinh tế thế giới đang có được những bước chuyển mình đáng kể. Bên cạnh sự tăng trưởng không ngừng nghỉ, đâu đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ của sự khủng hoảng, tuột dốc về tài chính, tiền tệ. Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, xu hướng đầu tư theo dự án đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Trước tình hình đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có một đội ngũ chuyên viên kinh tế đầu tư chuyên nghiệp nhằm tham vấn cho lãnh đạo, cho thân chủ và cho cả khách hàng tiềm năng những vấn đề trọng yếu trong quá trình đầu tư thông qua việc vận dụng những công cụ, kiến thức về phân tích. Những chuyên viên kinh tế đầu tư này sẽ giúp cho các doanh nghiệp thẩm định các dự án đầu tư, các dự án cho vay cũng như giúp các nhà đầu tư phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp… nhằm hạn chế rủi ro và đưa ra những quyết định chính xác, hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên viên này vẫn còn rất thiếu. Mặt khác, đầu ra cho ngành kinh tế đầu tư là tương đối rộng, qua đây có thể khẳng định rằng “ Kinh tế đầu tư” là ngành rất triển vọng trong tương lai.

“ Kinh tế kế đầu tư” là một ngành rất triển vọng. Tuy nhiên, để có được một việc làm ưng ý đúng với chuyên ngành, chúng ta không thể ngồi im và trông chờ, hi vọng vào sự đánh giá cao của các nhà tuyển dụng vào ngành học của chúng ta mà chúng ta phải hành động. Kinh nghiệm cho thấy, để được đánh giá cao trong công việc ngoài việc nắm chắc những kiến thức cơ bản và kiến thức – kỹ năng chuyên ngành đã được trang bị kỹ lưỡng trong quá trình học, sinh viên còn cần rất nhiều các kiến thức và kỹ năng khác hỗ trợ như tiếng anh, vi tính, những hiểu biết về kinh tế xã hội…và đặc biệt là kỹ năng mềm.

Có thể thấy rằng, đó là những kỹ năng căn bản nhất mà một sinh viên phải có khi ra trường. Dù có làm việc trong môi trường nào, công việc nào, đúng chuyên ngành hay phải làm trong một vị trí không phù hợp thì những kỹ năng trên vẫn là những chìa khóa cho thành công cho bất kỳ ai.

Thuật ngữ kỹ năng mềm rất hay được nhắc tới hiện nay, có thể hiểu đó là tập hợp những kỹ năng mà các sinh viên không được học trên giảng đường mà phải học ở trong thực tế và biến những kỹ năng đấy trở thành thế mạnh cho bản thân. Chúng tôi có điểm ra một số kỹ năng hiện nay đang được các nhà tuyển dụng tương đối quan tâm

Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình

Kỹ năng sáng tạo, tư duy, quan sát

Khả năng làm việc nhóm

Có tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên

Do đó, ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên nên tích cực tích lũy, trải nghiệm để thu được nhiều kĩ năng thực tế.