Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2022, với chủ đề "Thí sinh cần làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển?", nhiều thí sinh băn khoăn, nếu trúng tuyển sớm vào một trường đại học thì có thể đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành khác không? Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, dù tuyển sinh vào ngành nào, với bất kỳ phương thức gì, thí sinh cũng phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Năm trước, chúng ta chỉ xét tuyển chung với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, tất cả phương thức đều được đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và lọc ảo chung thông qua hệ thống của Bộ GD&ĐT. Bộ không giới hạn nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, nhưng mỗi em chỉ đỗ một nguyện vọng. Thí sinh cần lưu ý, nếu đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất rồi, sẽ không trúng tuyển các nguyện vọng khác.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều em cũng biết mình trúng tuyển có điều kiện. Tuy nhiên, nếu các em yêu thích một ngành khác của một trường khác và mong muốn xét tuyển bằng phương thức dựa trên điểm tốt nghiệp THPT, thì có thể đưa phương thức xét tuyển này lên nguyện vọng số 1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mà yêu thích.

 

"Với thí sinh tự do, các em vẫn có thể đăng ký tài khoản để đăng nhập các nguyện vọng xét tuyển. Năm nay, tất cả đều thực hiện trực tuyến nên buộc thí sinh phải có tài khoản. Nếu gặp khó khăn, các em có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ GD&ĐT để được tư vấn, giải đáp" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ lưu ý.

 

"Các nguyện vọng của thí sinh được xếp thứ tự từ 1 đến hết. Khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn thì những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Như vậy, sẽ có duy nhất một nguyện vọng trúng tuyển được công bố trên hệ hệ thống của Bộ GD&ĐT" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ, đồng thời cho hay:

Tuy các phương thức xét tuyển đa dạng nhưng nếu các em theo đúng logic thì sẽ đơn giản. Chẳng hạn, với một ngành, một trường các em yêu thích sẽ có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu như các em thấy phương thức A chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển thì có thể chọn sang phương thức khác để vẫn xét tuyển vào ngành đó.

"Sai một ly, đi một dặm"

10 ngày qua, kể từ khi Bộ GD&ĐT mở Hệ thống hỗ tuyển sinh chung, một số thí sinh gặp khó khăn, lúng túng khi xác nhận tên phương thức và tên tổ hợp xét tuyển. PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) khuyến cáo, thí sinh cần tìm hiểu kỹ cơ sở đào tạo mà mình đã trúng tuyển có điều kiện như: Tên phương thức trúng tuyển sớm, tổ hợp xét tuyển là gì…?

Ngoài ra, trong quá trình xét tuyển sớm, có thí sinh nhập sai khu vực và đối tượng dẫn đến điểm xét tuyển thay đổi. Với những trường hợp sai thông tin đến khi hậu kiểm mới phát hiện, khi đó Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã đóng, thí sinh không thể điều chỉnh nguyện vọng khác nên có thể bị trượt các nguyện vọng. Vì thế, sĩ tử cần đặc biệt lưu tâm để không rơi vào tình trạng "sai một ly, đi một dặm".

Có nhiều năm tham gia giảng dạy và làm quản lý, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi nhận thấy, khi theo đuổi một ngành nghề nào đó, quan trọng nhất là năng lực, sở trường của thí sinh. Do đó, việc đầu tiên các em phải chọn đúng ngành, sau đó kiên trì theo đuổi, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. "Các em có thể thích một trường nào đó vì một lý do nào đó, nhưng ngành nghề đó phải phù hợp và bản thân phải có đủ đam mê, cháy hết mình để theo đuổi ngành nghề đã chọn" - GS.TS Nguyễn Trung Việt chia sẻ.

PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, nhiều thí sinh chưa biết cách sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Chẳng hạn, có thí sinh đặt nguyện vọng không thích nhất là nguyện vọng 1 nhưng lại muốn trúng tuyển vào nguyện sau (là nguyện vọng yêu thích nhất). Vô hình trung dẫn đến tình trạng "trúng tuyển nhầm" nguyện vọng.

Khi đó, thí sinh chỉ có thể lựa chọn: Hoặc sẽ đợi xét tuyển bổ sung hoặc năm sau thi lại. Vì vậy, thí sinh cần hiểu tường minh nguyên tắc xét tuyển "lọt sàng xuống nia" của hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ. Theo đó, các em sắp xếp các thứ tự nguyện vọng theo nguyên tắc giảm dần mức độ yêu thích, mức độ phù hợp và mức điểm xét tuyển. Ưu tiên ngành học, trường học yêu thích nhất, có điểm đầu vào cao hơn ở những vị trí đầu tiên và giảm dần theo mức độ yêu thích cho các nguyện vọng tiếp theo.

Đối nhóm ngành sức khoẻ có chứng chỉ hành nghề, PGS.TS Lê Đình Tùng nhấn mạnh: Đây là thời điểm để lựa chọn những người phù hợp, cam kết theo đuổi và thực sự yêu thích ngành nghề này. Chăm sóc sức khoẻ là ngành đặc biệt, tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ đặc biệt. Chính những điều đặc biệt ấy đòi hỏi người đảm bảo cơ bản về kiến thức để có thể theo đuổi, gắn bó.

"Chúng tôi mong, những thí sính có kết quả học tập THPT xuất sắc và đam mê với ngành Y sẽ mạnh dạn đăng ký xét tuyển" - PGS.TS Lê Đình Tùng bày tỏ, đồng thời thông tin: Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội nêu rõ, khi các phương thức tuyển thẳng không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ chuyển chỉ tiêu này để xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh điểm cao cứ mạnh dạn lựa chọn, đăng ký vào trường trên cơ sở tổng điểm 3 môn Toán, Hoá, Sinh mà các em đã biết.

 

"Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học nhiều hơn năm 2021, để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, thí sinh nên suy nghĩ và đăng ký nguyện vọng sớm, không nên dồn vào những ngày cuối cùng mới tham gia đăng ký xét tuyển" - PGS.TS Lê Đình Tùng khuyến nghị.

 

Theo: GD&TĐ