Để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho ngành du lịch, tháng 5 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép trường Đại học Vinh mở mã ngành đào tạo Cử nhân Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch).

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng, ngày 05 tháng 10 năm 2007, Hiệu trưởng Tr­ường Đại học Vinh đã ký Quyết định số 2017/TCCB thành lập Tổ bộ môn Du lịch, trực thuộc khoa Lịch sử, để quản lý và giảng dạy ngành học này.

Ngành Việt Nam học có chức năng đào tạo Cử nhân khoa học chuyên ngành Du lịch với các kỹ năng chuyên sâu như: Nghiệp vụ lữ hành; Nghiệp vụ Khách sạn – Nhà hàng và Nghiệp vụ du lịch văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc trong các cơ quan quản lý của nhà nước về du lịch, hoặc tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch của các doanh nghiệp du lịch từ trung ương tới các địa phương.

Chương trình đào tạo của ngành Việt Nam học được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc chương trình của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. Cùng với phần lý thuyết được học tại trường, các em sẽ có dịp đi thực tế tại các khu du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề... trong thời gian 3 tuần và đến thực tập tại các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn – nhà hàng... trong thời gian 8 tuần.

Ngoài các học phần chung và các học phần chuyên sâu của 3 chuyên ngành: Văn hóa du lịch, Hướng dẫn du lịch, Khách sạn - Nhà hàng, trong 4 năm học, sinh viên được đi thực tế du lịch tại các điểm du lịch nổi tiếng phía Bắc vào học kỳ I, năm thứ 2 (như Hà Nội, Sa Pa, Hạ Long, Tràng An...), các điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung và Tây Nguyên vào học kỳ 2, năm thứ 3 (Cố đô Huế, Bà Nà, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nha Trang, Đà Lạt...), thực hành kỹ năng nghề tại các điểm du lịch tiêu biểu của Nghệ An vào học kỳ I năm thứ 4 (Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia Kim Liên...) và thực tập tốt nghiệp vào học kỳ 2 năm thứ 4 tại Bà Nà (Đà Nẵng) hoặc Thái Lan.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, một mặt, ngành Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) tiếp tục hoàn thiện chư­ơng trình; đổi mới ph­ương pháp dạy học, tiến hành biên soạn tài liệu, giáo trình chuyên ngành, mặt khác, mở rộng quan hệ hợp tác với các tr­ường đại học, viện nghiên cứu, các công ty du lịch trong nước và quốc tế.

Về chuẩn đầu ra:

Kiến thức

§  Có trình độ tương đương sơ cấp chính trị;

§  Có trình độ tin học tương đương trình độ B;

§  Có trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ B;

§  Có chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng;

§  Có chứng chỉ Giáo dục thể chất;

§  Có kiến thức khoa học cơ bản đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp;

§  Nắm vững kiến thức cơ bản và có hệ thống về Việt Nam học và kiến thức của các khoa học có liên quan như Văn hoá học, Khu vực học, Địa phương học...

§  Nắm vững kiến thức cơ bản, nền tảng của khoa học du lịch. Trên cơ sở đó, nắm vững những kiến thức khoa học và hiện đại về các chuyên ngành khác nhau của du lịch học như Văn hóa Du lịch, Hướng dẫn Du lịch, Khách sạn – Nhà hàng.

Kĩ năng

§  Có kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập;

§  Nghiên cứu và thuyết trình về đất nước, con người Việt Nam (lịch sử, địa lí, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng...);

§  Có kĩ năng, nghiệp vụ cơ bản về Văn hóa Du lịch, Hướng dẫn Du lịch, kinh doanh, quản lí khách sạn, lữ hành...

§  Sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các phương tiện kĩ thuật trong các hoạt động du lịch (máy chụp ảnh, camera, ghi âm, vi tính, projector, overhead).

Thái độ

§  Có ý thức trách nhiệm công dân, thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có ý thức kỉ luật và tác phong công nghiệp;

§  Có tình yêu quê hương đất nước, có ý thức bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa trong học tập, nghiên cứu và hoạt động du lịch.

Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp

§  Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học, Du lịch học tại các cơ sở đào tạo và cơ quan Văn hóa - Thông tin - Du lịch;

§  Là hướng dẫn viên du lịch, quản lí và kinh doanh du lịch cho các công ti lữ hành, các tổ chức kinh doanh du lịch, các khách sạn - nhà hàng trong và ngoài nước.

Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp: Tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở bậc sau đại học thuộc chuyên ngành Việt Nam học, Du lịch học.

Cho đến nay, ngành du lịch đã chiêu sinh được 8 khóa, trong đó có 4 khóa với gần 500 sinh viên đã ra trường và 4 khóa với hơn 500 sinh viên đang học tập. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ổn định tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoặc các công ty lữ hành, khách sạn – nhà hàng... khắp cả nước.Nhiều sinh viên đã thành lập công ty du lịch cho riêng mình.

-          Mức điểm chuẩn tuyển sinh của ngành Du Lịch các năm vừa qua: từ 14,0 – 15,5 điểm.

-          Hình thức TS, các môn xét tuyển năm 2015 và điều kiện (nếu có): Hình thức: xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2015;

-          Chỉ tiêu: từ 80 đến 100

-          Khi cần tư vấn thêm thông tin xin gọi:

o   Số điện thoại của Trưởng Bộ môn:  0985.769.369 (TS. Bùi Văn Hào)

o   Địa chỉ website của khoa:

http://khoalichsu.vinhuni.edu.vn/

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh với 50 năm xây dựng và trưởng thành chào đón các thí sinh dự tuyển vào ngành Du lịch năm 2015.