Cô Vũ Mai Phương, giáo viên nhiều năm kinh nghiệm luyện thi trên truyền hình, chỉ ra những điểm cần lưu ý với 8 dạng bài thường gặp trong đề thi THPT quốc gia môn tiếng Anh. Mỗi dạng bài kiểm tra một phần kiến thức nhất định mà dựa vào đó, học sinh có thể đưa ra phương pháp và chiến thuật ôn luyện hợp lý.
Dạng bài ngữ âm, trọng âm
Với dạng bài ngữ âm, trọng âm, ngoài học thuộc một số quy tắc như phát âm đuôi -ed, -s/es, thì việc làm nhiều bài tập để biết được cách phát âm, đánh trọng âm của từ là rất quan trọng. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý các trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ: Tìm từ có phần gạch được phát âm khác:
A. blessed B. curried C. crooked D. kicked
Có đến trên 90% học sinh chọn B, nhưng đáp án của ví dụ này lại là D.
Cách phát âm các từ này như sau: blessed /'blesid/, curried /ˈkɜːrid/, crooked /'krukid/, kicked /kikt/
Như vậy, kicked có phần gạch chân phát âm là /t/, còn lại đều là /id/. Đây là một ngoại lệ điển hình mà học sinh cần ghi nhớ.
Dạng bài điền từ vào câu
Điền từ vào câu là dạng bài kiểm tra được rộng nhất kiến thức ngữ pháp của học sinh và được đánh giá là dễ nhất trong cả đề thi. Học sinh nên làm đầu tiên vì hoàn thành tốt dạng bài này sẽ tự tin hơn khi giải quyết các phần tiếp theo.
Do độ phủ kiến thức cao nên để làm tốt dạng bài điền từ vào câu, học sinh cần học chắc các chủ điểm ngữ pháp quan trọng trong chương trình sách giáo khoa, đồng thời bổ sung nguồn từ vựng cơ bản.
Ví dụ:
It’s essential that every student _______ the exam before attending the course.
A. passes B. would pass C. passed D. pass
Ví dụ trên là câu hỏi kinh điển trong dạng bài điền từ vào câu. Ví dụ sử dụng cấu trúc giả định khá quen thuộc It is essential that S (should) V-inf và đáp án là D.
Tương tự, các câu hỏi khác trong dạng bài này đa phần đều thuộc một chủ điểm ngữ pháp nhất định.
Dạng bài chức năng giao tiếp
Dạng bài chức năng giao tiếp trong đề thi THPT quốc gia khá đa dạng về các chủ đề giao tiếp trong cuộc sống, từ việc cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, xin phép, đề nghị… đến những câu hỏi, câu nói thường ngày. Cần lưu ý chọn câu trả lời phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, phù hợp về ngữ nghĩa, và đảm bảo độ lịch sự, lễ phép, thân thiện, không thái độ tồi, khó chịu, nhưng cũng cần tránh những câu quá câu nệ, học thuật, không hợp với lối nói hàng ngày.
Ví dụ: “Excuse me! I’m looking for the library.” – “________”
A. Where’re your eyes? It’s in front of you.
B. Look no further!
C. Find it yourself. I’m busy.
D. Oh, nice to meet you.
Về nghĩa thì cả A, B, C đều không sai, nhưng câu A trả lời với thái độ gắt gỏng, câu C thể hiện sự khó chịu, không muốn giúp đỡ, thì ta không chọn. Câu D trả lời không đúng câu hỏi nên chỉ còn phương án B là đúng.
Dạng bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa
Bản chất của dạng bài này những từ in đậm mà đề bài cho thường là từ ít xuất hiện và học sinh chưa gặp bao giờ, còn các phương án A, B, C, D thường là những từ, cụm từ mà học sinh có khả năng hiểu được nghĩa.
Tuy nhiên, dạng bài này không kiểm tra vốn từ vựng của học sinh có rộng hay không mà là kỹ năng đoán nghĩa từ dựa theo ngữ cảnh. Cách làm là dịch nghĩa của câu và sau đó suy đoán nghĩa của từ. Nhớ lưu ý xem đề bài hỏi đồng nghĩa hay trái nghĩa bằng cách gạch chân hay khoanh tròn từ CLOSEST - OPPOSITE trong đề, vì các phương án đưa ra đều có cả từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa với từ in đậm, học sinh dễ bị đánh lừa.
Ví dụ: Chọn từ trái nghĩa với từ được gạch chân:
A mediocre student who gets low grades will have trouble getting into an Ivy League college.
A. average B. lazy C. stupid D. hard-working
Chắc hẳn mediocre là từ rất ít người biết, nhưng qua dịch nghĩa, có thể suy ra đây là từ mang nghĩa tiêu cực (Học sinh mà mediocre, bị điểm kém, sẽ gặp rắc rối…). Đề bài hỏi từ trái nghĩa nên chắc chắn đáp án phải là một từ tích cực. Đáp án là D.
Có thể thấy, kỹ năng suy luận và đoán nghĩa từ văn cảnh rất cần thiết trong dạng bài này.