Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học và từ xa.Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là một nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã nhấn mạnh: "Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao". Thực tế cho thấy, trong Báo cáo của Bộ nội vụ về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 1374/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số cán bộ, công chức tại các địa phương chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định về ngạch công chức và yêu cầu công việc. Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nhấn mạnh phải “tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”, “Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.”. Vì vậy, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về năng lực công tác, kỹ năng nghiệp vụ là nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu của các cấp chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, chính sách nêu trên của Chính phủ. Xuất phát từ thực tiễn đó, trong những năm qua, Trường Đại học Vinh đã kết nối và hợp tác với nhiều đơn vị khắp cả nước để tổ chức tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho nhiều đối tượng sinh viên có nhu cầu. Thông qua các chương trình đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học (VLVH), giáo dục từ xa… Trường Đại học Vinh đã mở hàng nghìn lớp học, thu hút hàng chục nghìn học viên tham gia, bồi dưỡng nâng cao trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho các địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Nhà trường và các đơn vị liên kết đào tạo luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên có nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu nhằm vận dụng vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác, lao động sản xuất, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội. Hiện nay, với hơn 50 đơn vị liên kết tại gần 40 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, cùng hơn 5000 chỉ tiêu tuyển sinh của 43 ngành đào tạo VLVH, 7 ngành đào tạo từ xa, với chương trình thiết kế phù hợp, mềm dẻo, các môn học xuất phát từ thực tiễn công tác, đáp ứng tối đa những nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên, Trường Đại học Vinh mong muốn sẽ là địa chỉ tin cậy cho các cán bộ, công chức mong muốn được học tập để không ngừng hoàn thiện mình, phục vụ tốt nhất cho công việc và cho xã hội. Nhà trường kính chuyển tới lãnh đạo UBND các huyện, thành thị, các tỉnh thành, đơn vị có liên kết, danh mục các ngành đào tạo đại học hình thức VLVH, từ xa để nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo trên địa bàn (Xem chi tiết ở phần phụ lục).
Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các loại hình chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác đào tạo, Trường Đại học Vinh vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, Trường là 1 trong 8 trung tâm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên lớn của cả nước với các chương trình bồi dưỡng giáo viên các hạng II, III và IV của các cấp học, bồi dưỡng chuyên môn định kỳ các ngành học; Trường cũng là một trong số ít những trường đại học được tham gia triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và là 1 trong 10 đơn vị có thẩm quyền bồi dưỡng, khảo thí năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam tương đương các cấp độ theo Khung tham chiếu châu Âu (A1, A2, B1, B2, C1, C2), đào tạo và cấp chứng chỉ các ngoại ngữ khác. Ngoài ra, Trường còn triển khai đồng bộ việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, ngắn hạn, cấp chứng chỉ như: Kế toán tổng hợp, Kế toán trưởng, Kế toán thuế, Kế toán doanh nghiệp, Kế toán máy, Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, Phân tích tài chính doanh nghiệp, Giám sát xây dựng; Quản lý giáo dục, Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, Nghiệp vụ sư phạm, Chứng chỉ Ứng dụng CNTT theo Thông tư 03/2014/BTTTT, Bồi dưỡng giáo viên Giáo dục quốc phòng - An ninh; các chương trình đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng sống và các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng khác theo nhu cầu của người học. Trường Đại học Vinh mong muốn được triển khai hợp tác với địa phương trong việc tiến hành các hoạt động đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ cho các cán bộ, công nhân viên chức và các đối tượng người học có nhu cầu (Mọi chi tiết xin liên hệ qua địa chỉ các đơn vị đối tác trên địa bản theo danh sách ở phụ lục 2).
Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.Trong những năm qua, với đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, có trình độ chuyên môn cao với 286 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ - là những chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), trường Đại học Vinh đã từng bước khẳng định vị thế của mình và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước. Nhờ vậy, các nhà khoa học của Trường đã được các cơ quan, các tổ chức tin tưởng giao các đề tài nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, được UBND tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung bộ ghi nhận và vinh danh bằng việc trao những phần thưởng cao quý. Trong năm 2014, cán bộ của Trường đã công bố 426 công trình nghiên cứu, trong đó có 95 công trình công bố trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học nước ngoài (20 bài thuộc danh mục SCI, 18 bài thuộc danh mục SCIER, 57 bài thuộc các tạp chí khác). Trường Đại học Vinh là 1 trong 10 trường đại học của Việt Nam có số công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài uy tín nhiều nhất (năm 2014) và 331 công trình công bố trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong nước.Cán bộ của Trường đã tham gia biên soạn các công trình khoa học lịch sử, văn hóa địa phương như: Lịch sử Nghệ An (2 tập), Lịch sử 70 năm ngành Tài chính tỉnh Nghệ An, Địa chí huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713 - 722), Lịch sử huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh)…đã và đang thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm của Tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như: Nghiên cứu đề xuất giải pháp và xây dựng mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo theo hướng bền vững cho các xã bãi ngang ven biển và miền núi tỉnh Nghệ An; Đánh giá nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu tại vườn quốc gia Pù Mát - Nghệ An, đề xuất biện pháp bảo tồn và khai thác hợp lý, các đề tài nghiên cứu Nafosted và cấp Bộ như: Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dưới góc độ bảo vệ quyền của người lao động; Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Xaova tại Nghệ An; Thu thập, lưu giữ và đánh giá nguồn gen giống lúa nương của các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh năm 2015…. Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ với mục đích tăng cường sự gắn kết giữa Nhà trường với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạnh việc nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội địa phương và ứng dụng các thành tựu KHCN vào thực tiễn sản xuất. Với chiến lược đó, Trường Đại học Vinh mong muốn được phối hợp chặt chẽ với địa phương trên những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất. Nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử, văn hóa địa phương như biên soạn các công trình lịch sử, địa chí các huyện, thành thị và các tỉnh.
Thứ hai. Triển khai các hoạt động nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan đến đời sống xã hội của người dân như các lễ hội, các hoạt động kinh tế, văn hóa và chính trị.
Thứ ba. Triển khai các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn công nghệ thông tin và các lĩnh vực hoạt động khác mà địa phương có nhu cầu.
Trường Đại học Vinh luôn xác định và đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng Trường thành một cơ sở đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đa lĩnh vực, phấn đấu là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ; nơi đào tạo giáo viên và cán bộ khoa học đa ngành, đa cấp. Đồng thời tăng cường và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn với đào tạo; thông tin khoa học và triển khai theo hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống xã hội; hỗ trợ, tư vấn về học thuật và bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ cho các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề và các cơ sở khác trong khu vực. Định hướng trong những năm tới, Trường sẽ huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, mở rộng quan hệ hợp tác; phát huy sức mạnh tổng hợp và dân chủ hoá Nhà trường để từng bước xây dựng và phát triển Trường Đại học Vinh với phương châm: đón đầu, hiệu quả, đồng bộ và hiện đại.
Trường Đại học Vinh trân trọng cảm ơn và mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện và đặc biệt là nhận được những ý tưởng hợp tác từ phía lãnh đạo của các huyện, thị, tỉnh, thành phố trong thời gian tới, cùng nhau xây dựng mối quan hệ bền chặt, hướng tới một mục tiêu chung là sự phát triển địa phương nói riêng và xã hội nói chung. Trường Đại học Vinh kính mong Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị tỉnh, huyện, thành thị, các trường Đại học và Cao đẳng đóng trên địa bàn thông báo đến các cơ quan, tổ chức và người học trên địa bàn quản lý của mình để có thông tin tham gia vào các chương trình đào tạo của Trường, trường hợp cần thiết Trường Đại học Vinh sẵn sàng cử cán bộ đến làm việc với các đơn vị về các vấn đề đào tạo cũng như quảng bá tuyển sinh tại địa bàn. Với uy tín, vị thế, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, đội ngũ và tiền đề sẵn có, Trường Đại học Vinh cam kết sẽ phối hợp với các đối tác triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, đảm bảo uy tín, chất lượng và đáp ứng các nhu cầu xã hội.
Mọi thông tin cụ thể, chi tiết xin liên hệ: TS. Trần Tú Khánh, Phó Hiệu trưởng phụ trách, ĐT: 0966.888 999, 0904.668899, email: khanhtt@vinhuni.edu.vn, khanhdhv.trantu@gmail.com. Hoặc:
- Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Trường Đại học Vinh:
Điện thoại: 0383.856.364; Fax: 038.355.24 24;
Giám đốc Trung tâm GDTX: PGS.TS. Phạm Ngọc Tân, ĐT: 0987.793.999.
Ths. Bùi Văn Dũng – Phụ trách địa bàn miền Trung ĐT: 0915.770.777.
Ths. Lê Văn Hậu – Phụ trách địa bàn Nghệ An, ĐT: 0913.027.367
ThS. Lê Hoài Thanh - Phụ trách địa bàn phía Bắc, ĐT: 0904.600246
ThS. Hoàng Mạnh Hùng - Phụ trách địa bàn phía Nam, ĐT: 0912.128.745
- Trung tâm Đào tạo liên tục Trường Đại học Vinh. Điện thoại: 038.3733.666.