Ngành mở đầu cho đào tạo ngoài sư phạm
Những năm 1990, trước những khó khăn chung của toàn xã hội (hệ quả của nền kinh tế kế hoạch, tập trung bao cấp), các trường đại học đơn ngành phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Từ chủ trương đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Ngành Giáo dục đã đề ra các nội dung đổi mới bao gồm: Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và quy mô đào tạo; Tăng dần quy mô tuyển sinh, từng bước mở rộng xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; Dân chủ hóa trong Nhà trường.
Quán triệt chủ trương của Ngành, từ năm học 1990 - 1991, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) đã xây dựng các chiến lược nhằm từng bước đưa Nhà trường trở thành trường đại học đa ngành, trong đó lấy ngành Sư phạm làm nòng cốt.
Khoa Sinh học có tiền thân là Khoa Sinh và Sư phạm kỹ thuật đã phát huy lợi thế, "lĩnh ấn tiên phong" trong làn gió mới. Ban Chủ nhiệm khoa, đặc biệt là các thầy giáo giàu tâm huyết như thầy Nguyễn Ngọc Hợi, thầy Nguyễn Văn Sơn, thầy Võ Hành, thầy Nguyễn Hoàng... đã quyết tâm mở mã ngành đào tạo mới ngoài sư phạm. Năm học 1991 -1992, Khoa Sinh học đã liên kết với Khoa Nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Trường Đại học Nha Trang) mở ra hệ liên kết đào tạo kỹ sư Nuôi trồng thủy sản. Chương trình đào tạo gồm 2 năm học đại cương tại Trường Đại học Sư phạm Vinh và 3 năm học chuyên ngành tại Trường Đại học Thủy sản Nha Trang.
Lớp 32 NTTS - khóa đào tạo ngoài sư phạm đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Vinh
Ngành mới mở ra, phương tiện và thông tin tuyển sinh còn hạn chế, các thầy cô đã phải chủ động nắm bắt thông tin về các ứng viên để vận động từng người. Ngay khóa đầu tiên, ngành Nuôi trồng thủy sản đã tuyển sinh được 73 sinh viên (sau này có 69 kỹ sư Nuôi trồng thủy sản đã tốt nghiệp), gọi là khóa 32 NTTS - ứng với khóa 32 tại Trường Đại học Sư phạm Vinh và khóa 33 tại Trường Đại học thủy sản Nha Trang. Đây cũng là ngành đào tạo ngoài sư phạm đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau đó rất nhiều ngành ngoài sư phạm như ngành Xây dựng, ngành Kế toán, ngành Luật... đã được mở ra.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Nhà trường chính thức đào tạo đa ngành và từng bước phát triển vững chắc, trở thành một trong những trường đại học có uy tín của cả nước như ngày nay.
Các dấu mốc và giai đoạn phát triển
Từ năm 1991 đến năm 1996, Khoa Sinh học của Trường Đại học Sư phạm Vinh liên kết đào tạo mở rộng ngành Nuôi trồng thủy sản với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang được 5 khóa sinh viên (khóa 32 đến khóa 36). Từ năm học 1996 - 1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép hai trường phối hợp đào tạo hệ chính quy do Trường Đại học Thủy sản Nha Trang cấp bằng. Tính đến khóa học 2001 - 2002, từ sự hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Sư phạm Vinh và Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, đã có 617 kỹ sư ngành Nuôi trồng thủy sản được đào tạo và cấp bằng đại học. Nhiều người trong số này hiện đang đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng trên các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học, công tác chuyên môn hay trở thành các doanh nhân thành đạt, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Thủy sản của cả nước.
Lớp 37 NTTS - Khóa đào tạo NTTS chính quy đầu tiên trong hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Sư phạm Vinh và Trường Đại học Thủy sản Nha Trang
Ngày 17/4/2002, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BGD&ĐT-TCCB về việc thành lập Khoa Nông Lâm Ngư thuộc Trường Đại học Vinh. Bộ môn Thủy sản được thành lập, kế thừa và tiếp nối việc đào tạo ngành Thủy sản từ Bộ môn Động vật thuộc Khoa Sinh học. Cũng theo Quyết định này, Nhà trường chính thức điều chuyển các thầy Trần Ngọc Lân (chuyên ngành Động vật, phụ trách khoa), thầy Hoàng Văn Sơn (chuyên ngành Phát triển nông thôn), thầy Nguyễn Thức Tuấn (chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản) từ Khoa Sinh học sang công tác tại Khoa Nông Lâm Ngư. Tiếp đó là các thầy Nguyễn Kim Đường, thầy Nguyễn Quang Phổ (từ Trường Đại học Nông Lâm Huế), thầy Trương Xuân Sinh, cô Trần Tố Hải, cô Nguyễn Thị Phượng... được mời về khoa công tác.
Khóa 43 Nuôi trồng thủy sản là khóa học đầu tiên thuộc Khoa Nông Lâm Ngư tuyển sinh và đào tạo, do chính Trường Đại học Vinh cấp bằng. Khóa học này có 2 lớp C1 và C2, cùng 1 lớp thuộc ngành Nông học (C3) với tổng số 142 sinh viên. Cũng từ khóa học này, Khoa Nông Lâm Ngư được giao tiếp quản Cơ sở 2 đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện của Trường Đại học Vinh tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Lễ tốt nghiệp Khóa 43 ngành NTTS và ngành Nông học
Năm 2009, Bộ môn Thủy sản được tách thành 2 bộ môn là Bộ môn Thủy sản nước ngọt và Bộ môn Thủy sản mặn lợ. Năm 2016, Bộ môn Thủy sản nước mặn lợ được đổi tên thành Bộ môn Thủy sản nước mặn lợ và Phát triển nông thôn trên cơ sở nhập cán bộ thuộc ngành Khuyến nông vào.
Đến năm 2017, theo định hướng tái cấu trúc, sắp xếp các tổ chức trong Trường Đại học Vinh, Viện Nông nghiệp và Tài Nguyên được thành lập trên cơ sở Khoa Nông Lâm Ngư và một số ngành thuộc khoa Địa lý. Lúc này, hai bộ môn Thủy sản nước ngọt và Thủy sản nước mặn lợ và Phát triển nông thôn được sát nhập, đổi tên thành Bộ môn Thủy sản và Chăn nuôi, phụ trách đào tạo hệ đại học các ngành Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi và đào tạo sau đại học ngành Nuôi trồng thủy sản, đồng thời, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, chuyên giao công nghệ nuôi trồng thủy sản và triển khai việc sản xuất giống, nuôi các đối tượng thủy sản.
Cuối năm 2022, trước nhu cầu phát triển mở rộng và chuyên môn hóa, Bộ môn Thủy sản và Chăn nuôi được tách thành Bộ môn Thủy sản và Bộ môn Chăn nuôi.
Giai đoạn mới - kỳ vọng mới
Hiện nay, ngành Thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn ưu thế của Việt Nam. Năm 2022, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn), giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,19 triệu tấn. Các chỉ tiêu đạt được đều đạt vượt mức Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên đạt tới 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 22,2% so với kế hoạch. Tuy nhiên ngành Thủy sản cũng như nhiều ngành khác thuộc lĩnh vực Nông Lâm Ngư như Chăn nuôi, Thú y... vẫn đứng trước tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao nghiêm trọng.
Giai đoạn này, ngoài thực hiện Tầm nhìn Trường Đại học Vinh trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045, Trường Đại học Vinh cũng gắn công tác đào tạo với tinh thần "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo". Trước tình hình đó, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên với sự đầu tư trọng điểm của Nhà nước và Dự án hỗ trợ bồi dưỡng đại học hàng đầu hợp tác quốc tế năm 2023 của Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Dự án thành lập Khoa Thú y và tăng cường năng lực giáo dục và nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, Bộ môn Thủy sản được định hướng mở thêm các ngành đào tạo mới như Bệnh thủy sản... để nâng quy mô thành Khoa Nuôi trồng thủy sản. Năm học 2023 - 2024, Bộ môn Thủy sản tiếp tục mở rộng các hình thức tuyển sinh đầu vào với 50 chỉ tiêu.
Các phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển ngành Nuôi trồng thủy sản năm 2023
Với bề dày kinh nghiệm 30 năm đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản. Thêm nữa, Trường Đại học Vinh đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn sản xuất và kinh doanh thủy sản hàng đầu như CP Việt Nam, Tập đoàn De Heus... tạo lập mối quan hệ hợp tác nhiều năm với các công ty thủy sản lớn như Cargill, Thăng Long, Grobest, Gromax, Việt Bim, An Phú... Bộ môn Thủy sản kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng hơn nữa trong việc đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Thủy sản cho xã hội. Với lợi thế hợp tác hiện có, Bô môn Thủy sản cam kết đảm bảo 100% việc làm cho các kỹ sư khi ra trường đối với các ứng viên dự tuyển năm 2023 này.
TS. Nguyễn Thức Tuấn