Đầu tiên, phải kể đến Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ) (gọi tắt là Đề án 32). Đây được xem là văn bản pháp lý tiên phong, mở đường cho sự công nhận và phát triển nghề CTXH ở Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển CTXH trở thành một nghề; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến... Mục tiêu cụ thể là xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10% đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH trong cả nước; trong đó, mỗi xã/phường/thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH; giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu tăng khoảng 50% đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH ở các cấp…

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên của Đề án 32, Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn. Chính vì vậy, ngày 25/08/2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV quy định các chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH. Theo đó, có 3 chức danh ngạch viên chức CTXH, bao gồm: (1) CTXH viên chính (mã số: 24.291), (2) CTXH viên (mã số: 24.292) và (3) Nhân viên CTXH (mã số: 24.293). Với mỗi chức danh ngạch viên chức CTXH đều có quy định về chức trách, nhiệm vụ, năng lực, trình độ chuyên môn, thể hiện trong Thông tư số 34/2010/TT- LĐTBXH, ngày 08/11/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH. Đến ngày 19/08/2015, Thông tư số 08/2010/TT-BNV và Thông tư số 34/2010/TT- LĐTBXH đã được thay thế bằng Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 30). Thông tư liên tịch số 30 vẫn có 3 chức danh ngạch viên chức chuyên ngành CTXH như Thông tư số 08, nhưng có sự phân hạng và thay đổi về mã số các chức danh, trong đó: CTXH viên chính (hạng II, mã số V.09.04.01); CTXH viên (hạng III, mã số V.09.04.02); Nhân viên CTXH (hạng IV, mã số V.09.04.03). Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 30 còn hướng dẫn quy trình bổ nhiệm và xếp lương các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành CTXH.

Dựa trên Đề án 32 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 64 tỉnh/thành phố trong cả nước đã xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch phát triển nghề CTXH ở địa phương mình. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết  định số 2514/QĐ-BYT, ngày 15/07/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế) (gọi tắt là Đề án 2514). Đề án 2514 nhằm hình thành và phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với chỉ tiêu đến hết năm 2015 xây dựng thí điểm 04 mô hình tổ chức hoạt động CTXH (Trung tâm/Phòng CTXH) trong các bệnh viện tuyến trung ương; xây dựng thí điểm 06 mô hình tổ chức hoạt động CTXH (Phòng/Tổ CTXH) trong các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam; đến hết năm 2020, triển khai hoạt động CTXH trong chăm sóc sức khỏe tại 80% các bệnh viện tuyến trung ương, 60% các bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện tuyến huyện và 40% số xã/phường...

Cùng với các địa phương, ngành Y tế; ngành Giáo dục và Đào tạo cũng rất quan tâm đến việc phát triển nghề CTXH. Điều đó được thể hiện bằng Kế hoạch phát triển nghề CTXH trong ngành Giáo dục giai đoạn 2017 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 327/QĐ-BGDĐT, ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) (gọi tắt là Kế hoạch 327). Kế hoạch 327 nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong tất cả các nhà trường trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành sử dụng nhân viên CTXH chuyên nghiệp với chỉ tiêu đến hết năm 2017, có ít nhất 20 trường Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) được hỗ trợ thí điểm thành lập Tổ/Nhóm CTXH trường học và có hệ thống phòng ngừa, bảo vệ các học sinh yếu thế, hỗ trợ phục hồi cho những trường hợp học sinh bị xâm hại, bạo lực; đến hết năm 2020, có 40% các trường THPT có Tổ/Nhóm CTXH trường học và có hệ thống phòng ngừa, bảo vệ các học sinh yếu thế, hỗ trợ phục hồi cho những trường hợp học sinh bị xâm hại, bạo lực, 30% các trường THCS có Tổ/Nhóm CTXH trường học và có hệ thống phòng ngừa, bảo vệ các học sinh yếu thế, hỗ trợ phục hồi cho những trường hợp học sinh bị xâm hại, bạo lực, 10% các trường Tiểu học có Tổ/Nhóm CTXH trường học và có hệ thống phòng ngừa, bảo vệ các học sinh có nguy cơ, hỗ trợ phục hồi cho những trường hợp học sinh bị xâm hại, bạo lực…

Với hành lang pháp lý nêu trên, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở các cấp; các cơ sở, trung tâm chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội đã ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH. Các tỉnh/thành phố trong cả nước đã thành lập các Trung tâm CTXH; bổ sung biên chế nhân viên CTXH ở các cấp; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực CTXH. Một số bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập Phòng CTXH và bố trí các nhân viên CTXH làm việc trong các Phòng CTXH ở bệnh viên để hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các bệnh nhân và người nhà như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố khác cũng đã thành lập các Phòng CTXH và bố trí các nhân viên CTXH để trợ giúp cho các bệnh nhân và gia đình như các bệnh viện tuyến trung ương. Không ít các trường học trong cả nước đã có nhân viên CTXH hoặc cán bộ, giáo viên chuyên trách, kiêm nhiệm để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong trường học…

Mặc dù, nghề CTXH phát triển chưa tương xứng với nhu cầu đòi hỏi của xã hội ở Việt Nam hiện nay, nhưng với sự nỗ lực chung của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và các địa phương… thông qua các văn bản pháp lý và hành động thực tiễn, trong tương lai không xa nghề CTXH sẽ phát triển mạnh và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đánh giá cao.

Tin: Văn Nam