Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhận thấy có nhiều yêu cầu phải đáp ứng, trong đó nổi lên hàng đầu là công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với việc thâm dụng vốn, tài nguyên, lao động giản đơn và lao động chất lượng thấp chuyển mạnh tích cực sang phát triển chiều sâu mà chủ yếu là sử dụng và phát huy các tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tiến bộ khoa học công nghệ là quan trọng nhất.

Trong chiến lược phát triển về khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định nhiệm vụ về Công nghệ Sinh học là:

(1) Nghiên cứu phát triển có trọng điểm trong các công nghệ nền của Công nghệ Sinh học: Công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym-protein, công nghệ tin sinh học, nano sinh học… để nâng cao trình độ Công nghệ Sinh học quốc gia.

(2) Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả Công nghệ Sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu: Nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, đóng góp ngày càng gia tăng cho nền kinh tế.

(3) Phát triển Công nghệ Sinh học tập trung vào các công nghệ phục vụ các nhiệm vụ dưới đây: Chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán và điều trị bệnh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ tế bào gốc để chữa trị các loại bệnh nguy hiểm, bệnh mới phát sinh ở người.

(4) Sản xuất vắc-xin, dược phẩm, thuốc thú y, sinh phẩm chẩn đoán; các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng; thuốc sinh học phòng trừ sâu, bệnh; nhiên liệu sinh học; nhân nhanh giống cây trồng sạch bệnh.

(5) Tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam. Xác định và phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh trong nông nghiệp. Làm chủ quy trình công nghệ đi đôi với chế tạo được các thiết bị đồng bộ trong phát triển công nghiệp sinh học. Bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm; bảo vệ đa dạng sinh học; xử lý ô nhiễm môi trường.


Bắc Trung Bộ là một khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, dược phẩm, môi trường và đa dạng sinh học, với tổng diện tích tự nhiên 5.150.069 ha, trong đó 725.428 ha đất nông nghiệp, 2.222.057 ha đất lâm nghiệp có rừng, 1.918.598 ha đất chưa sử dụng (trong đó trên 60% có thể sử dụng cho nông nghiệp). Bắc Trung Bộ có 700 km bờ biển, 25 cửa sông với diện tích thềm lục địa 92.000 km2 trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 100.000 tấn hải sản, 30.000 ha đầm phá nước lợ có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản và khoảng 500.000 ha bãi cát ven biển có khả năng xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp hoặc mô hình nuôi tôm thâm canh trên đất cát. Bắc Trung Bộ cũng là 1 trong 8 vùng quy hoạch chiến lược phát triển về nguồn dược liệu. Ngoài ra, tiềm năng đa dạng sinh học của vùng được các nhà nghiên cứu xác định là vùng đa dạng và có nhiều loài quý hiếm, cần khai thác để bảo tồn. Tuy vậy, sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là Nông - Lâm - Ngư nghiệp, y tế, dược liệu ở khu vực này là chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương

Có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học, bao gồm cả các công ty nước ngoài chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân chuyên môn. Một số các công ty nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên trong ngành này như: Unilever, Kimberly, San Miguel, Dutch Lady, các Công ty thức ăn chăn nuôi như CP, PROCONCO, VINA, UP, GREENFEED,...

Theo dự báo về nhân lực Công nghệ Sinh học trong các lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp, ngư nghiệp, y dược, môi trường, thực phẩm của TP Hồ Chí Minh thì hàng năm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. Với xu thế phát triển ở các thành phố lớn như Đà Nằng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng... nhu cầu về nhân lực Công nghệ Sinh học sẽ ngày càng tăng. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực về Công nghệ Sinh học, đặc biệt là Công nghệ Sinh học nông nghiệp và Công nghệ Sinh học y dược khu vực Bắc Trung Bộ hiện sẽ ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Vinh, một trong những Trường Đại học trọng điểm Quốc gia, có uy tín của cả nước - nơi cung cấp phần lớn nguồn nhân lực cho sự phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo Kỹ sư Công nghệ Sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của khu vực và cả nước.

Tên ngành đào tạo được phép mở: Công nghệ Sinh học

Mã số: 52.42.02.01

Tên chương trình đào tạo: Công nghệ Sinh học

Trình độ đào tạo: Đại học (Cấp bằng Kỹ sư)

Loại hình đào tạo: Chính quy, tập trung

Thời gian đào tạo: 4 năm

Tổng khối lượng kiến thức toàn khóa của chương trình đào tạo: 125 tín chỉ, 36 môn học (không kể khối kiến thức Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng).

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN VỀ NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA MÃ NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG THỜI GIAN SẮP TỚI

1. Sàng lọc các nhóm hợp chất thiên nhiên có hoạt tính dược học và thử nghiệm trên một số đối tượng vi sinh vật và động vật.

Phụ trách chính: GS.TS. Trần Đình Thắng (GS trẻ nhất toàn quốc năm 2016)

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng, phương pháp kiểm nghiệm hoạt tính dược học; Thử nghiệm hoạt tính dược học (tính kháng khuẩn, kháng vi rút, hoạt tính enzym…) của một số hợp chất thiên nhiên từ thực vật nói chung và nguồn cây dược liệu nói riêng lên vi sinh vật và động vật;

- Thử nghiệm, tìm kiếm các phương pháp chiết xuất tối ưu đối với các chất có hoạt tính dược học từ sinh khối thực vật, tảo, nấm lớn.

- Nhận diện hoạt tính dược học của một số hợp chất thiên nhiên từ cây dược liệu, từ đó đưa ra khuyến cáo cho nhà quản lý.

2. Làm chủ các kỷ thuật nuôi cấy mô trên các đối tượng cây trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, các loài cây cần bảo tồn, các loài cây nông nghiệp.

Phụ trách chính: TS. Lê Quang Vượng (Tốt nghiệp Trường Đại học Brunei Darussalam, Brunei)

Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng, phương pháp về nuôi cấy mô trên các đối tượng cây dược liệu, cây cần bảo tồn; Định hướng làm chủ đề chuyển giao công nghệ về phát triển giống cây dược liệu; Theo dõi, giám sát một số đặc điểm sinh lý (khả năng quang hợp, chống chịu các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh) của cây xanh (là sản phẩm của nuôi cấy mô) trong điều kiện môi trường được kiểm soát.

3. Thu thập, đánh giá các biến dị trên các đối tượng thực vật, động vật, cây dược liệu nhằm tìm kiếm các biến dị có lợi như: cho năng suất cao, khả năng chống chịu điều kiện bất lợi đối với môi trường, cây dược liệu có giá trị, có hàm lượng các hoạt tính dược học cao.

Phụ trách chính: TS. Nguyễn Thị Thảo (Tốt nghiệp Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội)

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng và phương pháp thu thập, đánh giá các đột biến trên động vật, thực vật, vi sinh vật nhằm nhận diện được các đột biến, trong đó quan tâm các đột biến có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt hoặc các loài cây có giá trị, có hàm lượng các hoạt tính dược học cao.

- Bước đầu nghiên cứu việc tạo đột biến, chọn lọc và phát triển các gen có hoạt tính dược học theo định hướng Công nghệ Sinh học y dược.

4. Phân lập, lưu giữ, nhân nuôi các dòng vi sinh vật, vi tảo có lợi cho phục vụ cho các ứng dụng trong các lĩnh vực y dược.

Phụ trách chính: TS. Nguyễn Lê Ái Vĩnh (Tốt nghiệp Trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản)

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng, phương pháp phân lập, lưu giữ, nhân nuôi các giống vi sinh vật, vi tảo có lợi ứng dụng trong lĩnh vực y dược;

- Thử nghiệm, tìm kiếm các phương pháp chiết xuất tối ưu đối với các chất có hoạt tính dược học từ sinh khối tảo, vi nấm và vi sinh vật;

- Phát triển kỹ thuật chuyển gen, tạo giống vi sinh vật sản xuất enzym, sản phẩm lên men…; Phát triển kỹ thuật nuôi cấy, thu hồi sản phẩm về sinh vật phục vụ cho y dược.

5. Làm chủ các công nghệ chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản thông qua tiếp cận kỷ thuật sinh học phân tử; Các kỹ thuật chuyển gen; Phân tích, tách chiết các dược liệu.

Phụ trách chính: TS. Hoàng Vĩnh Phú (Tốt nghiệp Trường Đại học Comenius, Slovakia)

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng, phương pháp về chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản bằng kỹ thuật sinh học phân tử;

- Chiết xuất ADN, ARN, nhân gen bằng các kỷ thuật PCR; Các kỹ thuật chuyển gen, nhân dòng gen, tạo giống vi sinh vật tái tổ hợp phục vụ sản xuất sinh khối;

- Đánh giá hoạt tính, mức độ biểu hiện của các gen tổng hợp thuốc.

6. Làm chủ các kỹ thuật phân tích sinh học phân tử, metagenome tiếp cận Tin sinh học

Phụ trách chính: TS. Phan Xuân Thiệu (Tốt nghiệp Trường Đại học Bucharest, Romania)

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng phân tích hệ gen, cây phát sinh chủng loại.

- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng phân tích genome, trình tự, cấu trúc không gian, bản đồ nhiễm sắc thể, phương pháp khai thác ngân hàng gen…

- Phát triển các giải thuật, lý thuyết và các kĩ thuật thống kê và tính toán để giải quyết các bài toán bắt nguồn từ nhu cầu quản lý và phân tích dữ liệu sinh học.

- Kiểm định các giả thuyết được đặt ra của một vấn đề trong sinh học nhờ máy tính thực nghiệm trên dữ liệu mô phỏng, phát hiện và nâng cao tri thức về sinh học (ví dụ: dự đoán mối quan hệ tương tác giữa các protein, dự đoán cấu trúc bậc 2 phân tử của protein...).