Để có cái nhìn toàn cảnh về phương án và những nét mới sẽ được áp dụng cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, sáng 8-9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Truyền hình Quốc hội tổ chức tọa đàm “Phương án tuyển sinh THPT Quốc gia năm 2017”.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; TS. Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội). Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm.

Điều chỉnh tiếp cận với xu thế thế giới

MC: Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 và lí do vì sao Bộ GD&ĐT lại xây dựng phương án điều chỉnh kỳ thi năm 2017?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo,  Bộ đã xây dựng kế hoạch về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng và xây dựng lộ trình cẩn thận, khoa học để làm sao áp dụng được trong thực tiễn.

Năm 2015 là năm đầu tiên áp dụng với 38 cụm thi trong toàn quốc. Năm 2016, kỳ thi diễn ra thuận lợi nhẹ nhàng cho thí sinh và thành công tốt đẹp. Đặc biệt kỳ thi đã đảm bảo được hai mục đích, xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học và đã có sự tham gia tích cực của các trường, chính quyền địa phương, toàn xã hội.

Tuy nhiên nhìn lại kỳ thi năm 2016 chúng ta thấy vẫn còn một số bất cập như tổ chức thi vẫn còn nặng nề do duy trì 2 loại cụm thi (một do ĐH chủ trì, một do địa phương chủ trì), một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương; Đề thi chưa bao quát tối đa chương trình nên còn hiện tượng học tủ, học lệch, chưa mang tính tích hợp để qua đó đánh giá tốt hơn năng lực thực sự của học sinh, thí sinh vẫn có thể nhìn bài nhau nếu công tác coi thi không nghiêm túc; Số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày); Nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, hiện tượng thí sinh ảo trong tuyển sinh vẫn tồn tại, chưa khắc phục được.


Quang cảnh buổi tọa đàm về “Phương án thi và tuyển sinh năm 2017” tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng ngày 8/9/2016.

MC: Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trong đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa rồi nhiều trường không đủ chỉ tiêu và tình trạng thí sinh ảo vẫn còn tồn tại, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Theo tôi tình trạng thí sinh ảo tồn tại trong bất cứ một đợt tuyển sinh nào. Vừa rồi trong chuyến đi Mỹ tôi cũng đặt vấn đề này ra nhưng các trường cũng nói rằng, họ chỉ tuyển được 60% trong số các nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong những trường gần như tuyển đúng và đủ chỉ tiêu trong thời gian vừa rồi cho nên chúng tôi cho rằng, các trường muốn kiểm soát ảo phải đưa yếu tố thị trường vào công tác tuyển sinh của mình.

Thứ nhất coi thí sinh là khách hàng, làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác phân tích dữ liệu điểm thí sinh, nhất là thí sinh trong khu vực tuyển sinh của mình. Các trường cần coi trọng công tác đảm bảo chất lượng để làm sao các em ra trường có việc làm vì hiện nay phụ huynh, thí sinh coi việc làm là yếu tố quan trọng nhất nên chỉ chọn những trường ra trường có việc làm. Nếu coi lại dữ liệu các trường tuyển không đủ thì chỉ rơi vào số ngành và nhóm ngành mà các em ra trường khó kiếm việc làm.

MC: Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Thu Anh, ông bà đánh giá như thế nào về kỳ thi năm 2016 và những nội dung sẽ  điều chỉnh trong kỳ thi năm 2017?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Tôi đã tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cùng Trường Đại học Sư phạm và tôi thấy kỳ thi khá tốt. Khi tham khảo những điều chỉnh của năm 2017 chúng tôi thấy có sự thay đổi rất lớn về môn thi, ngoài các môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ thì học sinh được chọn trong hai nhóm, nhóm Khoa học tự nhiên bao gồm môn Lý, Hóa, Sinh và nhóm Khoa học xã hội gồm các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Thay đổi nữa về hình thức đánh giá, hiện nay sẽ chỉ còn môn Văn học sinh làm bài thi với hình thức tự luận, còn lại là trắc nghiệm. Chúng tôi tin tưởng Cục Khảo thí và KĐCL đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức  các môn thi trắc nghiệm từ những năm trước nên sẽ tìm ra phương án tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi nghĩ những điều chỉnh sẽ khắc phục được những điểm yếu của kỳ thi năm 2016 và tiếp cận xu hướng của thời đại là học sinh phổ thông khi thi những môn rời rạch thường có xu thế học lệch, chính vì thế ra đề thi gồm nhiều môn tổ hợp sẽ giúp các em có được kiến thức tổng quát, đây chính là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, trong những năm tới không phải là tổ hợp mà là tích hợp. Do năm nay chúng ta chưa quen nên tổ hợp, về lâu về dài nên tích hợp.

Thứ hai là việc triệt để ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm mới, nếu chúng ta áp dụng công nghệ thông tin tốt, chấm thi trắc nghiệm tốt, chúng ta sẽ chấm rất nhanh và tránh được tiêu cực xảy ra. Chính vì lẽ đó, các trường đại học có thể hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của kỳ thi để lấy kết quả đó xét tuyển đại học.

MC: Thưa TS.Sái Công Hồng, là người có kinh nghiệm trong đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, ông đánh giá như thế nào về phương án đổi mới thi năm 2017 so với năm 2015, 2016?

TS.Sái Công Hồng: Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều chuyên gia vui mừng với phương án điều chỉnh năm 2017. Thứ nhất, xu thế hiện nay của thế giới có thiên hướng đánh giá theo các bài thi đánh giá năng lực và Bộ GD&ĐT quyết định dịch chuyển từ môn thi sang bài thi. Giảm khả năng học lệch, học tủ của thí sinh. Theo dõi trong quá khứ chúng ta thấy, kỳ thi tốt nghiệp ban đầu là 6 môn, sau đó 4 môn và lại về 6 môn, vì thế khả năng học lệch, học tủ rất nhiều.

Các nước phát triển châu Âu, châu Mỹ và ở Châu Á như Hàn Quốc đã chuyển sang đánh giá bằng 5 bài thi. Trong phương án Bộ đề xuất, thi 2 ngày, nhẹ nhàng hơn nhiều so với 4 ngày, thời lượng thi cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, trước đây 180 phút, thi trắc nghiệm giờ chỉ còn 90 phút, vừa nhẹ nhàng về đi lại khi tổ chức tại địa phương.


TS. Sái Công Hồng: Trong năm nay, phương án Bộ đưa ra có lộ trình. Trước tiên là các em được lựa chọn, các em có thể chọn bài thi KHTN hoặc KHXH. Thứ 2 là kiến thức năm trong lớp 12, nếu Bộ công bố sớm bây giờ học sinh mới bước vào lớp 12, các em còn nhiều thời gian để chuẩn bị vì vậy tôi cho rằng việc bỡ ngỡ sẽ không xảy ra
.

Chúng ta áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại và đặc biệt phối hợp được giữa lý thuyết khảo thí hiện đại và công nghệ thông tin. Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính nhưng có lẽ là ở diện hẹp, chúng tôi có thể làm được nhưng trên phạm vi toàn quốc thì cần có lộ trình. Phương án thi trên giấy của Bộ GD&ĐT tôi cho tại thời điểm này là hợp lý.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tránh được tính chủ quan của người chấm và khắc phục tối đa hạn chế của quá trình chấm thi.

Tuy nhiên để thực hiện phương án này tốt phải chuẩn bị kỹ, có khoảng thời gian chi tiết để xây dựng từng nhiệm vụ một, vừa giám sát, kiểm tra, vừa đảm bảo một kỳ thi an toàn.

Nội dung thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu trong lớp 12

MC: Thưa Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc điều chỉnh rất nhiều nội dung trong kỳ thi năm 2017 có tính đến những phương án về ôn tập, phương án về sự chênh lệch giữa học sinh nông thôn và thành thị hay không?

Kỳ thi năm 2017 nội dung thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu trong lớp 12. Các em học sinh chỉ cần ôn tập trong chương trình phổ thông là thi được. Còn thi trắc nghiệm hay hình thức khác chỉ là yếu tố kỹ thuật để thi. Về cách học của học sinh không có gì thay đổi, kiến thức, kỹ năng không có gì thay đổi. Cũng không có khoảng cách nào giữa nông thôn và thành phố, kỳ thi năm 2016 cho thấy rất nhiều học sinh ở nông thôn đạt kết quả cao.

Mục tiêu của Bộ là làm sao tổ chức kỳ thi đảm bảo nghiêm túc để các trường đại học có thể sử dụng xét tuyển. Năm 2016 chúng ta đã cử các giảng viên đại học về địa phương để chủ trì và tổ chức cụm thi, phát huy tính nghiêm túc nhưng cử đi như thế sẽ khó khăn tốn kém nên 2017 cải tiến bằng cách sử dụng hàng rào kỹ thuật thi trắc nghiệm, khách quan, chấm trên máy, con người không can thiệp được.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta tổ chức thi trên máy và sau đó chấm luôn nhưng trên bình diện toàn quốc chúng ta chưa làm được nên vẫn tổ chức thi trên giấy và chấm trên máy. Trong tương lai sẽ tiến tới thi trên máy.

MC: Thưa các ông bà, tâm lý của phụ huynh, học sinh đang khá hoang mang lo lắng trước thông tin về những thay đổi trong kỳ thi năm 2017, vậy, các ông bà có thể giúp cho thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước sự đổi mới này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, cao đẳng không thể thay đổi một năm một lần mà phải có kế hoạch khoa học và tổng thể, thực hiện từng bước, có lộ trình và chủ động. Kỳ thi năm nay đã được chuẩn bị từ 3 năm trước, vì thế đã có sự thông báo cụ thể với thí sinh. Ví dụ với tổ hợp xét tuyển, năm 2015, Bộ yêu cầu các trường xét tuyển 75% với các tổ hợp truyền thống, năm 2016 còn 50% chỉ tiêu, năm 2017 còn 25%.

Nhìn chung sự đổi mới đã có bước đi thực hiện lộ trình giúp thí sinh chuẩn bị trước về kiến thức và tâm thế rồi.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Tôi nghĩ rằng rất khó để tìm ra phương án thi tối ưu hoàn toàn, nếu muốn nói gì đó với cha mẹ học sinh thì tôi nghĩ rằng là ở đây thay đổi với mong muốn tốt hơn. Như vậy trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi năm nay ngoài cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học của con còn có sự đồng hành của các thầy cô giáo, của nhà trường, các sở giáo dục và Bộ. Tất cả cùng quan tâm làm thế nào để có một kỳ thi THPT Quốc gia tốt nhất vì thế nên phụ huynh và học sinh đừng quá lo lắng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng:  Phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng bởi vì nếu  xét về mặt đề thi thì Thứ trưởng đã nói sẽ nằm trong chương trình, còn cách thi có điểm mới duy nhất là môn toán chuyển qua trắc nghiệm còn lâu nay các môn khác chúng ta vẫn trắc nghiệm. Nói chung kỳ thi năm nay sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng đối với các em hơn, không phải như những năm trước. Cho nên các em hoàn toàn có thể yên tâm không có gì mới thêm cả. Trừ thay vì vẽ đồ thị và diễn giải kết quả, bây giờ chuyển sang trắc nghiệm thì vẫn phải làm để giải.

MC: Thưa TS.Sái Công Hồng, ý kiến của ông như thế nào về cách tổ chức, sắp xếp bài thi trong phương án thi THPT quốc gia 2017?

TS.Sái Công Hồng: Khi góp ý về phương án tôi có một điểm như sau: Chúng ta đang có 5 bài thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 3 bài thi này bắt buộc đối với học sinh giáo dục phổ thông. Muốn thi tốt nghiệp phải chọn 3 bài này, đồng thời chọn 1 bài nữa về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, bài Khoa học tự nhiên là tổ hợp của 3 môn.

Ở đây tôi muốn trao đổi sau khi nghiên cứu như sau: trong hình thức thi bài thi KHTN của các nước trên thế giới (Mỹ) thì là tích hợp giống với Đại học Quốc Gia Hà Nội đang làm, bài thi tổng hợp và hỗn hợp. Tức là có thể xuất hiện 1 câu Lý sau đó là 1 câu Sinh, Hóa. Bài thi của Bộ đưa ra là bài thi tổ hợp của 3 môn Lý, Hóa, Sinh tương tự như vậy đối với KHXH thì có Sử, Địa, Giáo dục công dân. Nên học sinh không có gì phải băn khoăn, Lý, Hóa, Sinh năm trước thi trắc nghiệm hết rồi.

Vì thi đủ 5 bài hoặc với GDTX thi 4 bài thì sẽ kích thích các em trong quá trình học tập đối với 5 bài thi. Tôi nghĩ trong quá trình thực hiện đối với từng bài có một đặc điểm riêng khác nhau. Với kinh nghiệm tổ chức 3 năm vừa rồi, chúng tôi đã có đánh giá hoàn toàn có thể phân hóa được thí sinh theo một dải rất lớn. Và một trong những yêu cầu là phải phân hóa được thí sinh và thí sinh không có gì phải băn khoăn ở chỗ đề thi sẽ như thế nào, bởi vì đã thi theo bài thi, mỗi thí sinh một bài thi ở trong phòng khác nhau lập tức chuyện tiêu cực trong phòng thi sẽ giảm đi rất nhiều.

Điểm thứ 2 đã là bài thi chuẩn hóa thì những câu hỏi phải được làm qua rất nhiều quy trình. Đặc biệt có một quy trình là thử nghiệm với chính đối tượng là học sinh lớp 12. Chính vì vậy đã phân biệt được những thông số trong đề thi và bài thi sẽ đảm bảo đánh giá đúng được năng lực của các em. Bởi vì đã được thử nghiệm câu nào ở mức độ dễ, trung bình, khó không phải là dừng ở phương pháp đánh giá.

MC: Thưa bà Nguyễn Thị Thu Anh, mặc dù các vị khách mời có chia sẻ đề thi sẽ nằm trong kiến thức của cấp 3, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại khi tổng hợp lượng kiến thức ôn tập sẽ nhiều hơn. Và bài thi sẽ tổng hợp tất cả lượng kiến thức các môn, bà nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Thực ra đây không phải là tổng hợp các môn mà là tổ hợp như anh Sái Công Hồng vừa nói thì trong một vài môn thi KHTN ví dụ 20 câu Vật lý, sau đó đến câu Hóa học… Việc tích vào một môn KHTN sẽ làm giảm bớt đi 3 môn thi vào 3 buổi làm số buổi thi sẽ giảm đi và thời gian thi của các em cũng sẽ giảm. Vì vậy cũng không quá lo lắng, tôi nghĩ rằng Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung thi. Chúng tôi mong chờ Bộ sẽ sớm công bố đề thi minh họa, khi học sinh có đề thi minh họa thì lo lắng về đề thi sẽ giảm bớt đi và như vậy các em sẽ chủ động hơn trong quá trình học tập.


Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Tôi nghĩ rằng rất khó để tìm ra phương án thi tối ưu hoàn toàn, nếu muốn nói gì đó với cha mẹ học sinh thì tôi nghĩ rằng là ở đây thay đổi với mong muốn tốt hơn.

Ở  các trường phổ thông để đáp ứng được sự điều chỉnh sẽ phải có thay đổi. Giáo viên sẽ phải thay đổi quá trình dạy, câu chuyện môn tủ sẽ không còn nữa, tất cả giáo viên ở các môn học đều phải dạy hết sức nghiêm túc để đạt hiệu quả cao nhất, các em học sinh cũng phải như vậy.

Sẽ là tổ hợp bài thi chứ không phải tích hợp

MC: Thưa Thứ trưởng, liệu sự thay đổi ở thời điểm này có gấp gáp quá không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như tôi đã phân tích không có gì thay đổi. Nếu mà thay đổi thì từ tổ hợp đến tích hợp có là vấn đề lớn và phải thông báo sớm không thể làm ngay được. Tôi xin khẳng định lại đề thi năm nay và các bài thi của chúng ta là các bài thi tổ hợp, chứ không phải là tích hợp trên các diễn đàn nhầm lẫn tích hợp. Làm thí sinh băn khoăn, không phải tích hợp các môn lại với nhau, cho nên học sinh yên tâm không phải lo lắng gì cả. Nếu có thay đổi lớn như vậy Bộ sẽ có thông báo sớm để các trường chuẩn bị, còn những thay đổi có tính chất kỹ thuật làm cho thí sinh nhẹ nhàng hơn thì chúng ta có thể áp dụng ngay.

MC: Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nếu thi theo phương án Bộ đang xây dựng ông có tin tưởng vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng hay không?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng : Kỳ thi năm 2017 dự kiến sẽ tốt hơn, kết quả sẽ khách quan hơn vì ứng dụng của CNTT và các trường đại học sẽ đưa cán bộ về giám sát kỳ thi để nghiêm túc. Không có lý do gì để các trường không lấy kết quả để làm căn cứ của xét tuyển đại học. Vì nếu các trường có những ngành đặc thù thì tổ chức thi năng khiếu, còn những ngành đòi hỏi kiến thức nền tảng thì hoàn toàn có thể dựa vào kỳ thi để tiết kiệm cho các em và gia đình. Nếu bây giờ các trường không tin tưởng mà tổ chức một kỳ thi riêng thì đó là chúng ta quay về con đường cũ gây ra nhiều xáo trộn hao tổn về mặt kinh tế.

MC: Thưa Thứ trưởng, khi áp dụng các phương pháp thi mới sẽ giảm được các phần tiêu cực, vậy thì tại sao chúng ta không áp dụng từ trước đó mà phải đợi đến năm nay?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Để có những thay đổi trong kỳ thi như vậy, thứ nhất ta phải báo trước cho thí sinh ít nhất là 3 năm, phải có những bước chuẩn bị. Khi trong phòng thi mỗi thí sinh có một đề thi riêng để làm sao các cụm thi không trùng nhau, phải có thời gian dài và kinh nghiệm để chuẩn bị ngân hàng đề thi. Trong những năm vừa rồi trong quá trình đổi mới Bộ đã khuyến khích các trường đại học tổ chức thi các phương pháp mới để rút kinh nghiệm và chắt lọc. Trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ đã ủng hộ để tiến hành đánh giá năng lực.

Sau 3 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được ngân hàng đề thi lớn, Bộ sẽ tiếp quản ngân hàng đề này và tiếp tục cập nhật bổ sung ngân hàng đề thi ấy để làm sao đến 2017 chúng ta có ngân hàng đề thi lớn cho mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng đảm bảo tính nghiêm túc.

Thứ 3, về kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực và trên diện rộng chúng ta cũng không thể làm ngay được mà trước hết phải làm trong giới hạn. 3 năm vừa rồi Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm rất thành công, với kinh nghiệm đấy thì chúng ta yên tâm nhân rộng ra trong cả nước.

MC: Thưa bà Thu Anh, là một người quản lý của một đơn vị giáo dục. Như Thứ trưởng đã chia sẻ, việc thi là việc đánh giá chất lượng của học sinh nhưng về kỹ năng mềm, có lẽ bà là người hiểu nhất cơ sở của bà cũng như cơ sở đào tạo phổ thông nói chung đã là thế nào để giải quyết vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Mục tiêu giáo dục của chúng tôi là giáo dục toàn diện, các em không chỉ có kiến thức về KHTN, KHXH, kiến thức cơ bản tốt mà chúng tôi còn hướng tới các em sống chủ động, trách nhiệm, sống có cảm xúc. Vì thế nên ngoài hoạt động giảng dạy chúng tôi còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Điều đó giúp học sinh năng động, chủ động hơn và khiến thầy cô ngạc nhiên vì các em giỏi hơn thầy cô về ý tưởng. Vì thế nên cần sự chủ động của mỗi nhà trường.

Chúng tôi phải ngay lập tức tìm hiểu về cách thi mới này vì nó đòi hỏi học sinh có trách nhiệm hơn trong học tập, cha mẹ phải cùng đồng hành và đặc biệt các thầy cô giáo phải luôn luôn tìm ra giải pháp dạy học đạt hiểu quả cao nhất.

MC: Thưa TS. Sái Công Hồng, trên thực tế sẽ có những trường, những cơ sở đào tạo hướng dẫn thủ thuật cho các em làm bài trắc nghiệm, vậy theo ông sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

TS.Sái Công Hồng: Thực ra thì tôi cũng là người tham gia chỉ đạo xây dựng bộ đề thi của chúng tôi từ khá lâu, bao giờ cũng hướng dẫn cách làm bài. Tuy nhiên các câu hỏi thi được thiết kế như thế nào để luyện thi và có thể tạo sự đồng thuận. Bởi khi thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, ngoài những quy tắc còn có nội dung liên quan đo được gì, đo ở cấp độ nào. Chính vì thế khi những người viết câu hỏi, ở môn Toán, ở cấp độ dễ chẳng hạn,  qua mấy bước tư duy thì ra được kết quả. Những câu hỏi để ra thủ thuật có thể giải được là câu hỏi chưa tốt. Khi rút 1 đề thi ra, các đề thi cần tự đưa ra sự lượng hóa để tránh việc không công bằng giữa các thí sinh, đề này và đề khác. Đó là đề chuẩn hóa, khác với đề thi thông thường là có thử nghiệm trực tiếp trên thí sinh lớp 12 và phân tích độ khó của nó.

Trong năm nay, phương án Bộ đưa ra có lộ trình. Trước tiên là các em được lựa chọn, các em có thể chọn bài thi KHTN hoặc KHXH. Thứ 2 là kiến thức năm trong lớp 12, nếu Bộ công bố sớm bây giờ học sinh mới bước vào lớp 12, các em còn nhiều thời gian để chuẩn bị vì vậy tôi cho rằng việc bỡ ngỡ sẽ không xảy ra.

Điểm cuối cùng là trong quá trình thực hiện ở Đại học Quốc gia Hà Nội, công thức đề thi đối với bài tự chọn có 40 câu, khả năng phân loại của thí sinh hoàn toàn tốt. Trong cấu trúc đề thi mới là 60 câu cho mỗi bài tự chọn, mỗi môn là 20 câu, toán 50 câu và ngoại ngữ 40 câu. Đó là cấu trúc đề thi Bộ đang đề xuất, tôi cho rằng với lượng câu hỏi như vậy đủ để đánh giá, phân loại các em ở cấp độ cơ bản và nâng cao. Trong khoa học đánh giá đã chứng minh số câu hỏi càng ít mà đo tính phân loại được thì đề đó có độ tin cậy và giá trị tốt.

Đầu tháng 10 sẽ công bố đề thi minh họa

MC: Thưa Thứ trưởng, kỳ thi THPT Quốc gia đang được dư luận mong đợi, vậy phương án hoàn thiện kỳ thi THPT Quốc gia sẽ theo hướng nào và bao giờ có đề minh họa?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Kỳ thi 2017 tiếp tục hoàn thiện những kết quả đạt được của 2016, ví dụ chúng ta tổ chức kỳ thi ở tất cả các tỉnh, thành phố; chúng ta giao cho các Sở chủ trì và các trường ĐH, CĐ phối hợp, giám sát; đề thi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi khác nhau, chấm bằng máy để đảm bảo công bằng,  tin cậy.

Đối với tuyển sinh, năm 2016 phát sinh thí sinh ảo mặc dù chúng ta chỉ cho thí sinh đăng ký 2 trường. Năm 2017, chúng ta dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cao hơn, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường.


Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, riêng năm 2017 Bộ dự kiến sẽ cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn, với việc tăng nhiều nguyện vọng như vậy sẽ có lợi cho thí sinh, đồng thời cũng phải có công nghệ lọc ảo.

Đề thi minh họa là vấn đề hết sức quan trọng, giúp cho thí sinh và giáo viên định hướng ôn tập. Trong thời gian tới, cuối tháng 9 đầu tháng 10 Bộ sẽ cố gắng ban hành sớm đề thi minh họa để thí sinh ôn tập tốt.

Với những trường muốn kiểm tra năng lực thêm tức là sử dụng kết quả thi hoặc kết quả học phổ thông sơ tuyển, các trường ấy cũng phải công bố để thí sinh biết, chuẩn bị tinh thần ôn tập. Bộ làm rõ ràng, công khai, minh bạch hỗ trợ tối đa thí sinh, thay đổi có lợi cho thí sinh.

MC: Thưa TS.Sái Công Hồng, với phương pháp mới, cấu trúc mới  chúng ta cần ngân hàng đề thi đủ lớn để triển khai kỳ thi này, vậy ông đánh giá thế nào về tính khả thi của kỳ thi này?

TS.Sái Công Hồng: Với mỗi phương án đưa ra, Bộ đều tính toán sao cho tính khả thi cao nhất có thể. Với kinh nghiệm chúng tôi đã làm trong khoảng 4 năm, hiện ngân hàng đề thi của chúng tôi có khoảng 17.000 câu hỏi đề thi – lượng tương đối lớn. Nhiệm vụ được giao cách đây 5 năm là thí điểm đổi mới tuyển sinh, chúng tôi đã đánh giá toàn diện thí sinh theo bài thi đánh giá năng lực của thí sinh cuả ĐH Quốc gia Hà Nội.

Với ngân hàng câu hỏi đề thi đó theo sự chỉ đạo của Bộ sẽ sử dụng những câu hỏi chuẩn hóa phù hợp với ma trận đề thi mới, bù đắp thêm những câu hỏi khác để nó đủ lượng rút cho mỗi thí sinh bằng ngẫu nhiên của máy tính. Tôi cho rằng tính khả thi cao. Từ giờ cho đến tháng 5, tôi nghĩ cũng đủ thời gian để cập nhật bổ sung thêm những câu hỏi còn trống, còn thiếu trong phần đó và rà soát lại toàn bộ bộ đề thi.

Khi làm bài thi mẫu chúng tôi đều đưa lên mạng cho học sinh làm thử. Từ năm 2015, chúng tôi đã thử nghiệm tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Hay ở Huế, thủ khoa làm thử bài thi của chúng tôi cũng chính là học sinh vô địch Olympia năm vừa rồi.

MC: Thưa bà Nguyễn Thị Thu Anh, với định hướng của Bộ GD&ĐT, với vai trò quản lí một cơ sở giáo dục phổ thông, các thầy cô và học sinh đã kịp thích ứng với sự thay đổi này hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Việc có thích ứng được hay không còn phụ thuộc vào nội dung câu hỏi và cách đánh giá, nếu như là năm bắt đầu thì Bộ cũng phải quan tâm thời gian để cho học sinh làm quen, vì với học sinh lớp 12 thì các em đã phải học Toán, Lý, Hóa từ lớp 10 (ba năm qua các em đã định hướng theo hướng thi như trước); năm nay thay đổi thì buộc các em phải thích nghi, trong khi khoảng thời gian tương đối ngắn. Nhưng tôi nghĩ Bộ cũng sẽ hiểu thời gian ngắn như vậy thì yêu cầu trong đề thi như thế nào để phù hợp. Cuối cũng chúng ta mong muốn làm sao chọn được những học sinh tốt để vào học đại học, xét tốt nghiệp.

MC: Thưa bà Nguyễn Thị Thu Anh, để đạt được kết quả cao nhất trong Kỳ thi THPT 2017, nhất là tham gia xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã có sự chuẩn bị những gì?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh: Chúng tôi đang chờ quyết định chính thức từ Bộ GD&ĐT về cách thức tổ chức thi THPT quốc gia năm nay. Khi có quyết định chính thức thì nhà trường chắc chắn sẽ chủ động lập kế hoạch để triển khai các hoạt động dạy học  không chỉ học sinh khối 12 mà với tất cả các lớp.

Dù cách thi có thay đổi như thế nào tôi nghĩ các trường cần luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hướng đến sự chủ động, sáng tạo của học sinh để học sinh phát huy tối đa năng lực của các em. Chủ trương của trường Nguyễn Tất Thành là phát triển toàn diện, chúng tôi hướng đến các hoạt động để các em được trải nghiệm, sáng tạo, thể hiện cũng như khả năng, sở thích của mình.

MC: Thưa các ông bà, với phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2017 thì các trường đại học, cao đẳng xét tuyển như thế nào? Thí sinh sẽ được lựa chọn bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển. Nếu phương án này được thông qua thì đây có phải là phương án ổn định trong những năm sau đó hay không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc xét tuyển của thí sinh sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT cũng không khác gì so với năm 2016. Bộ cũng đã đề xuất một vài phương án mà các trường sẽ áp dụng; có thể là xét học bạ; dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; dùng kết quả THPT quốc gia kết hợp với sơ tuyển đánh giá về năng lực…

Riêng năm 2017 Bộ dự kiến sẽ cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn, với việc tăng nhiều nguyện vọng như vậy sẽ có lợi cho thí sinh, đồng thời cũng phải có công nghệ lọc ảo. Bộ cũng đã dự kiến phần mềm lọc ảo, phần mềm này Bộ cũng đã chuẩn bị từ năm 2014, nhưng rất tiếc sau đó các trường chưa đồng thuận. Năm 2017 khi tăng số lượng nguyện vọng lên thì dứt khoát phải sử dụng công nghệ lọc ảo để tuyển sinh được thuận lợi hơn.

Đổi mới dựa trên một lộ trình, xây dựng khoa học và Bộ đã tính toán các bước đi phù hợp để làm sao thí sinh không bị sốc, tiến tới kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả thiết thực theo tinh thần Nghị quyết 29. Để đạt được như vậy, từng năm sẽ thay đổi theo chiều hướng càng nhẹ nhàng và càng thuận lợi hơn cho thí sinh, không gây áp lực cho xã hội, kỳ thi công bằng để tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả đó để tuyển sinh.

TS.Sái Công Hồng: Với phương án có quyền lợi cao nhất cho thí sinh, các em được đăng ký nhiều nguyện vọng thì không riêng gì ở Việt Nam, vấn đề ảo cũng xuất hiện trên thế giới. Tôi có nhiều lần làm việc với các trường đại học ở Mỹ, họ thậm chí phải gọi tới 300% để trừ ảo, nhưng cũng chỉ đạt 60-70%, chuyện ảo là đương nhiên nếu như chúng ta tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Phương án lọc ảo duy nhất là dùng chung phần mềm chung, cá nhân tôi nghĩ nếu làm chung sẽ động tới phần tự chủ của các trường, nhưng để làm tốt việc ảo thì chắc không còn giải pháp nào ngoài việc có phần mềm chung.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Việc cho thí sinh có thêm nhiều nguyện vọng cũng là xu thế, và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường, điều này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ có bằng cách nâng cao chất lượng và đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm thì mới thu hút thí sinh. Chính vì vậy sẽ thay đổi được tư duy lãnh đạo của các trường hiện nay giống như chờ sung rụng.

MC: Thứ trưởng có lời khuyên gì tới các em học sinh và phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tất cả những đổi mới hay cải tiến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đều nhằm hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, ngày càng tạo cho các em có thêm quyền lợi. Vì vậy, các em không nên lo lắng nhiều, mặc dù có vài thay đổi cách thi, vấn đề các em làm sao ôn tập và học thật tốt như các em đang học.

Sắp tới Bộ sẽ ban hành quy chế, trong đó cũng những hướng dẫn rất cụ thể về cách thức, đăng ký, xét tuyển và các đề thi minh họa để các em dựa vào đó ôn tập. Các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng tới tâm lý các em.

Trân trọng cảm ơn các ông, bà!

Nguồn: http://www.moet.gov.vn/